Trao đổi với phóng viên ngày 7.5, ông Bùi Duy Dân - Chánh Thanh tra Sở VHTTDL TP. Vũng Tàu - cho biết: “Ngày 6.5, sở phối hợp với cơ quan công an, an ninh văn hóa đã đến địa chỉ 550 đường 30 Tháng 4, TP.Vũng Tàu của ông Huệ Phong để làm việc. Thực tế thì những bức ảnh chưa được triển lãm mà chỉ treo tại cơ ngơi riêng của ông Huệ Phong. Vì vậy, trước mắt sở và các cơ quan chức năng vẫn chưa thể tiến hành xử phạt mà mới chỉ đang ở giai đoạn thu thập tài liệu, chứng cứ, sau đó mới có kết luận cuối cùng về sự việc vi phạm đến đâu. Ngày 10.5, chúng tôi tiếp tục mời ông Huệ Phong lên sở để làm việc”.
Tuy nhiên, ông Dân cũng cho biết, nếu có xử lý sai phạm thì sẽ là ở góc độ những bức hình này dù chưa được cấp phép nhưng ông Huệ Phong đã “vượt rào” bằng cách cho phát hành qua mạng Internet. “Điều này cần có sự vào cuộc của Sở Thông tin và Truyền thông”- ông Dân nói.
Hỏi về nhân thân của cư sĩ Huệ Phong, Chánh thanh tra Bùi Duy Dân cho biết thêm: “Ông Huệ Phong tên thật là Phạm Đình Phong- sinh năm 1975, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, làm việc nhiều năm tại Vũng Tàu về lập và quản trị các website. Được vài năm thì ông Phong cạo trọc đầu để nghiên cứu về thiền học và có thời gian học mấy tháng về thiền ở nước ngoài.
Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Phạm Đình Phong tỏ ra là người có hiểu biết nên lý luận ghê lắm. Phạm Đình Phong cho rằng mình chỉ treo những bức ảnh trong nội bộ thì không thể gọi là vi phạm được”.
Cũng theo thông tin của Sở VHTTDL, cách đây 5 năm, ông Phạm Đình Phong từng bị cơ quan này lập biên bản phạt hành chính 50 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm trong việc lập website “đen”. Nhưng sau đó sự việc được giải quyết ổn thoả nên quyết định này đã được thu hồi (?).
Giáo hội không chỉ trích hay phê phán
Trao đổi với báo chí trước đó, bản thân cư sĩ Huệ Phong cũng chỉ nhận mình là cư sĩ, có tập thiền, đọc sách Phật, nghiên cứu Phật học chứ không phải là phật tử. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện dự án mang tên “Thoát” (trong đó bộ ảnh
Thoát là phần mở đầu của dự án), “thầy” Huệ Phong đã quá khuếch trương về những việc mình làm.
Ngoài vai trò cư sĩ, ông còn tự nhận mình là "nhà phong thủy", tự nhận “Không gian thiền art” của mình là “Học viện Khổng Tử”…
Hơn nữa, với hình thức thể hiện trong bộ hình giống như một nhà tu hành của ông Huệ Phong đã gây phẫn nộ với các phật tử. Bởi trên thực tế, ông Huệ Phong chỉ là một cư sĩ nghiên cứu về thiền và không thuộc về bất cứ chùa nào, nhưng ông lại thể hiện mình trong hình tướng của một nhà sư.
Hơn nữa, ngay cả ý tưởng “đã làm chủ được sắc dục là cái mạnh mẽ nhất, thì có thể làm chủ được mọi việc” của ông Huệ Phong cũng được nhìn nhận là quá phản cảm. “'Thiền là phải nhẹ nhàng, thư thái, không có kiểu bon chen, phô trương”- một phật tử nhận xét.
Tuy nhiên, trái ngược với những lên án mạnh mẽ này, hòa thượng Thích Gia Quang - Người phát ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - lại có sự nhìn nhận khá ôn hòa: Trong giáo lý về Phật giáo có rất nhiều quan điểm, rất nhiều trường phái tu hành khác nhau, nên mỗi phái có một cách tu khác nhau. Với Phật giáo đại thừa thì cho rằng, việc đặt mình vào những cám dỗ mạnh mẽ nhất để vượt qua được bản ngã, vượt qua được dục vọng thấp hèn là đạt đến sự tĩnh tâm tĩnh tại. Điều đó cũng là tốt. Không thể lấy quan điểm của đạo này để áp vào một đạo khác. Ông thầy này chỉ là tu thiền, một cư sĩ theo đạo Phật thôi chứ không phải người của Phật giáo nên phía Giáo hội không lên tiếng chỉ trích hay phê phán.
Được biết, người thực hiện bộ hình nhạy cảm này là một nhiếp ảnh gia tên là Nguyễn Trung. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về người này trong giới nhiếp ảnh thì họ cho biết chưa nghe đến cái tên Nguyễn Trung.
“Phải là một người ít ai biết mới dám nhận dự án này, còn nếu là một nhiếp ảnh gia có tên tuổi, chắc chắn họ sẽ từ chối bởi họ có kinh nghiệm để dự cảm được những phản ứng sau đó. Hơn nữa, theo tôi nhìn nhận, đây là một bộ hình không phù hợp với văn hóa người Việt”- nhiếp ảnh gia Đặng Minh Tùng chia sẻ.