Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
* Phóng viên: Xin Giáo sư cho biết hiểm họa và ưu tiên hành động đối với vấn đề biến đổi khí hậu của Việt Nam?
* GS.Trần Thục: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, thành phố Hồ Chí Minh bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực, tuy nhiên cũng mang lại một số cơ hội phát triển bền vững cho Việt Nam. Hiện nay, mô hình phát triển thông thường của các nước đang phát triển là dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng lao động giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Vấn đề biến đổi khí hậu đang tạo cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng phát thải các-bon thấp, bền vững. Nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh.
Những thách thức đó đòi hỏi Việt Nam phải có những nỗ lực hơn nữa trong các chính sách, biện pháp tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, song song với phát triển kinh tế nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nói cách khác là vấn đề thích ứng cần phải được đặt là trọng tâm. Thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô. Thích ứng sẽ là một quá trình liên tục trong nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Các biện pháp thích ứng là rất cấp thiết ở cấp địa phương. Đầu tư cho các biện pháp thích ứng và cụ thể là cho những cơ sở hạ tầng (ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp) có khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ giảm được những chi phí rất lớn trong tương lai. Việc này rất quan trọng để đánh giá các kế hoạch mở rộng các thành phố, các khu công nghiệp mới, các dịch vụ môi trường (đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải), lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở hạ tầng như cảng, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước, và cơ sở hạ tầng khác trong tương lai. Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán) là một ưu tiên cho dù có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không. Nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu được dựa trên cơ sở phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa hỗ trợ từ các nguồn khác nhau, bao gồm: Ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của các tổ chức và cá nhân, hỗ trợ quốc tế và vốn vay ưu đãi. Quyết định đầu tư công cần được sắp xếp ưu tiên theo thời gian, theo địa lý và theo từng ngành, và cần có cải tiến việc lập kế hoạch và hỗ trợ quốc tế.
Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giảm phát thải các-bon trên một đơn vị GDP nên là hướng tiếp cận của Việt Nam. Việt Nam nên phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh - các-bon thấp. Cần đặt mục tiêu giảm nhẹ phát thải để đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp cần được xây dựng, đưa ra được những ưu tiên rõ ràng, một hệ thống giám sát và báo cáo để theo dõi tiến độ thực hiện. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nên được coi là cơ hội kinh tế, xã hội và môi trường. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu chủ yếu sẽ do đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy cần có các quy định để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia ( NAMA ) có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nhận sự hỗ trợ tài chính và công nghệ quốc tế, ví dụ như năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, và quản lý chất thải.
* Phóng viên: Việt Nam đã có những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào và đã đạt được kết quả cụ thể ra sao, thưa Giáo sư?
* GS.Trần Thục: Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tháng 12 năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt. Tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam với các mục tiêu đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính trong dài hạn. Tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu. Đây là những nỗ lực quan trọng của Chính phủ cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Ảnh minh họa
Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta đã đạt được một số thành công bước đầu. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan đã triển khai các nhiệm vụ như: xây dựng thể chế, chính sách và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam phục vụ yêu cầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng lĩnh vực, khu vực; triển khai Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu. Công tác đàm phán, kêu gọi trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đẩy mạnh và thu được kết quả khả quan. Đã triển khai được các chương trình hỗ trợ của chính phủ các nước Đan Mạch, Nhật Bản, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Ca-na-đa và các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và một số chương trình, dự án khác đang trong thời gian vận động, đàm phán.
* Phóng viên: Được biết Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020, vậy nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam như thế nào?
* GS.Trần Thục: Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu là kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Các nhiệm vụ chính của Kế hoạch hành động, bao gồm: Thứ nhất, tăng cường năng lực giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; thứ hai, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước; thứ ba, chủ động ứng phó với thiên tai; chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; thứ tư, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp; thứ năm, tăng cường năng lực quản lý về biến đổi khí hậu, hoàn thiện cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu; thứ sáu, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; thứ bảy, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực; thứ tám, triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; thứ chín, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về biến đổi khí hậu; thứ mười, huy động các nguồn lực và tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chương trình, đề án ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2012 - 2015 được xác định căn cứ theo 10 nhiệm vụ ưu tiên đã được phê duyệt trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cụ thể là: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kế hoạch mở rộng cho giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu; Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đến năm 2020; Chương trình đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình đồng bằng sông Hồng về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cho các đô thị lớn của Việt Nam; Chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển, đê sông phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đề án nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các đảo dân sinh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đề án xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu./.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!