Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Việt Nam có diện tích tự nhiên ở quy mô trung bình, xếp thứ 59 trong tổng số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng dân số đông (đứng thứ 13) nên bình quân diện tích đất tự nhiên trên đầu người rất thấp (0,38ha), chỉ bằng 1/5 mức bình quân của thế giới (1,96ha).
Việt Nam có tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại; một số loại khoáng sản có trữ lượng, tiềm năng lớn có thể phát triển thành ngành công nghiệp như dầu khí, bauxite, titan, than, đất hiếm...; tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối, thủy năng...
Tổng lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, tiềm năng nước dưới đất đạt khoảng 63 tỷ m3/năm; trên 60% nguồn nước mặt có nguồn gốc từ nước ngoài. Vùng biển Việt Nam giàu về nguồn lợi thủy sản, đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình.
Để quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào, đa dạng của mình, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên; đầu tư cho điều tra cơ bản được chú ý hơn. Nhiều chương trình, dự án điều tra cơ bản về tài nguyên được thực hiện, nhất là điều tra địa chất khoáng sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên cũng còn tồn tại một số hạn chế. Đó là, công tác quản lý tài nguyên chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về khai thác, sử dụng tài nguyên có chỗ còn chưa đúng, nhất là về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ và chưa sát với thực tế. Tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, các giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững, một số loại bị khai thác quá mức nên suy thoái, cạn kiệt.
Dựa trên tình hình thực tế của công tác quản lý tài nguyên thời gian qua cũng như dự báo tình hình sắp tới, Đảng đã đề ra các mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể đến năm 2020.
Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Về các mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, thực hiện đánh giá được tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng trên đất liền; đạt được bước tiến quan trọng trong điều tra cơ bản tài nguyên biển. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa; nâng cao hiệu quả sử dụng nước tính trên 1 đơn vị GDP; khai thác hiệu quả và bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật. Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 5,6% tổng năng lượng thương mại sơ cấp; giảm tiêu hao năng lượng tính trên 1 đơn vị GDP.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể, Đảng xác định các nhiệm vụ cụ thể cho công tác quản lý tài nguyên
Đó là, điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế của các nguồn tài nguyên quốc gia.
Cụ thể, tập trung thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản tài nguyên, đặc biệt là điều tra cơ bản tài nguyên khoán sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển; chú trọng điều tra cơ bản địa chất khoáng sản vùng biển sâu, phát triển các loại khoáng sản mới. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá chất lượng, tiềm năng tài nguyên đất; thoái hóa, ô nhiễm đất và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ theo từng loại đất gắn với mục đích sử dụng.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất khoáng sản trên đất liền, dưới biển; sớm đánh giá được tiềm năng tài nguyên các loại khoáng sản chiến lược, khoáng sản mới; thăm dò một số loại khoáng sản chiến lược quan trọng; rà soát đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các mỏ ven biển; thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất khoáng sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và công bố bản đồ tài nguyên nước, trong đó ưu tiên các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng thiếu nước và khan hiếm nước khác.Chú trọng đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, phát hiện các loại khoáng sản mới ở các vùng biển sâu phục vụ phát triển đất nước. Từng bước thực hiện tính giá trị tài nguyên trong giá thành sản phẩm.
Khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.
Phân loại, hoạch định chiến lược, lập quy hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và bền vững các loại hình tài nguyên chiến lược quan trọng. Xây dựng và thực hiện các chiến lược bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên đất, khoáng sản, nước, rừng, nguồn lợi thủy sản, năng lượng tái tạo. Nâng cao chất lượng quy hoạch các loại tài nguyên, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu. Xây dựng và thực hiện các cơ chế quản lý giám sát minh bạch việc sử dụng các loại tài nguyên quốc gia, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Tham gia sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản (EITI).
Kết hợp dự trữ khoáng sản chiến lược quan trọng với thúc đẩy khai thác hợp lý và hiệu quả tài nguyên khoáng sản; định hướng nhập khẩu một số loại khoáng sản chiến lược đáp ứng phát triển kinh tế lâu dài; tăng cường chế biến, không xuất khẩu khoáng sản thô.
Sớm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép. Tái cơ cấu ngành công nghiệp khoáng sản gắn với chế biến sâu, để đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô và sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác. Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông. Tăng cường cơ chế điều hòa, điều tiết các nguồn nước góp phần hạn chế thiếu nước theo vùng và theo mùa. Xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp đảm bảo dòng chảy kiệt vào mùa khô trên các lưu vực sông và an ninh nguồn nước. Thiết lập hành lang bảo vệ các nguồn nước quan trọng.
Nghiên cứu tạo mưa nhân tạo, khai thác nước ngọt từ biển để phục vụ sinh hoạt của nhân dân, chiến sỹ quân đội, ngư dân trên biển, các đảo.
Thực hiện cải tạo, phục hồi các dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm, cạn kiệt. Hợp tác với các nước trong khu vực, theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước thượng nguồn sông Hồng và sông Mekong, dự báo sớm những vấn đề liên quan đến nguồn nước quốc gia để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời.
Bảo vệ, phòng chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa, xâm nhập mặn, xói lở đất... và từng bước bảo đảm diện tích đất cho phát triển rừng theo quy hoạch, đặc biệt là vùng núi Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.
Nghiên cứu khai thác, phát huy các giá trị sinh thái, cảnh quan, tài nguyên di truyền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp.
Thúc đẩy, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài thăm dò, khai thác tài nguyên phục vụ yêu cầu các ngành công nghiệp trong nước.
Hoạch định chiến lược tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên mới, từ bên ngoài. Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược khoáng sản, khoa học công nghệ nhằm tìm kiếm các loại khoáng sản mới. Thúc đẩy, hỗ trợ các tập đoàn khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam hợp tác, đầu tư ra nước ngoài, thiết lập mạng lưới đối tác khoáng sản chiến lược phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu sản xuất các loại nguyên, nhiên, vật liệu mới có thể thay thế các loại tài nguyên truyền thống.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ nano... để sản xuất các loại nguyên, nhiên, vật liệu mới có thể thay thế các loại khoáng sản, vật liệu truyền thống. Thúc đẩy sử dụng chất thải tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho các nghành sản xuất công nghiệp.
Phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, dịch vụ hệ sinh thái tài nguyên di truyền.
Nghiên cứu khai thác, phát huy các giá trị sinh thái, cảnh quan, tài nguyên di truyền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp.