Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ý kiến trái chiều về dừng dự án bauxite Nhân Cơ

(21:07:56 PM 10/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Thừa nhận dư luận xã hội và nhà khoa học hết sức lo ngại về hiệu quả kinh tế của 2 dự án bauxite là chính đáng, song trước kiến nghị của các nhà khoa học cho rằng dừng dự án, đại diện Bộ Công thương cho rằng không thực tế.

Tại hội thảo “Bauxite Tây Nguyên: Thực trạng, định hướng và kiến nghị” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 9/5,một số nhà khoa học, chuyên gia cho rằng cần tạm dừng dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và khẩn trương đánh giá hiệu quả của dự án nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) để có quyết định tiếp tục thực hiện hay không, đồng thời là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch.

 

Mất ngủ vì bauxite

 

Theo báo cáo của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến hết tháng 3, tổng giá trị toàn bộ dự án Tân Rai đã thực hiện đạt khoảng 11.620 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư đã tăng 33,15% so với kế hoạch. Với dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, tổng mức đầu tư lên tới 14.889 tỷ đồng, tăng 31% so với kế hoạch.

 

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng, các ý kiến muốn dừng dự án là không khả thi: “Dư luận xã hội và các nhà khoa học lo ngại về hiệu quả kinh tế của 2 dự án trên là chính đáng. Chúng tôi cũng mất ngủ vì dự án này, đặc biệt chuyện hiệu quả kinh tế”.

 

Tuy nhiên, theo ông Quân, nếu áp cách tính toán giá thành ở thời điểm hiện tại thì dự kiến thời gian thu hồi vốn của dự án Tân Rai là mất 12 năm, còn dự án Nhân Cơ thì mất khoảng 13 năm. Như vậy, 2 dự án này có hiệu quả kinh tế, đề xuất dừng dự án lại là không thực tế.

 

Cũng theo ông Quân, quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác chế biến bauxite đến năm 2020 có dự báo đến 2030 đã được lập trong vòng 2 năm sau rất nhiều hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước. Chính phủ chỉ đạo từ nay đến năm 2015, chỉ có 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ là thử nghiệm, nghiên cứu và hoàn thiện. Đến 2020, trên kết quả thử nghiệm của 2 dự án này, nếu có hiệu quả và điều kiện vận tải, cơ sở hạ tầng cho phép sẽ nhân đôi 2 dự án lên.

 

Sau 2020 nếu có đường sắt, kết quả thử nghiệm tốt sẽ đầu tư các dự án có quy mô lớn 2 - 3 triệu tấn/năm. Bộ Công thương sẽ hoàn thiện theo hướng này, sau đó trình Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

 

Nhà máy Alumin Tân Rai
Nhà máy Alumin Tân Rai

 

Quá rủi ro và nguy hiểm

 

TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), nói thẳng: “Tôi thấy sốc và lo lắng về giá bán alumin. Giá bán alumin thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua lỗ mà bộ trưởng Công Thương nói là nằm trong kế hoạch và mong có lãi là điều không tưởng”.

 

Theo TS Ban, giá bán alumin có lãi mà Vinacomin áp dụng theo mức giá 362 USD/tấn ở thời hoàng kim (2005-2008) là phi lý vì khủng hoảng kinh tế, giá khoáng sản đi xuống đã hơn 4 năm qua và vẫn ở mức trầm trọng, chưa biết đến khi nào chấm dứt, cho nên tính hiệu quả kinh tế rất mơ hồ.

 

“Với quãng đường trên dưới 200 km mà không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án Nhân Cơ sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm nếu trong trường hợp có tiền ở đâu đó để làm dự án đường sắt, dự kiến hơn 3 tỉ USD” - TS Ban nói.

 

GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng với giá bán 340 USD/tấn alumin là cầm chắc lỗ vài chục triệu USD/năm, chưa kể công suất khoảng 600.000 tấn/năm, quãng đường vận chuyển trên 200 km là phi kinh tế học.

 

Chưa kể đồng USD mất giá mỗi năm 2%. Hay việc Vinacomin muốn giảm thuế, phí môi trường là đặt Nhà nước vào thế “hy sinh” cho tập đoàn.

 

TS Nguyễn Đức Quý, Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam, cảnh báo giá sản phẩm của ngành bauxite – nhôm ít thay đổi trong vòng 30 năm qua; chỉ tăng 1,2-1,3 lần trong khi các khoáng sản khác tăng 3-5 lần.

 

Đặc biệt, TS Ban cho rằng con số tổng mức đầu tư của Tân Rai và Nhân Cơ là chưa bao giờ rõ ràng, mỗi lúc một số, khi là 628 triệu USD, lúc là 740; hay 800 triệu USD do chính Ban Quản lý dự án Tân Rai cung cấp cho đoàn của VUSTA. Trượt giá trên 30% nếu tính 628 thì là trên 800 triệu USD, còn nếu lấy con số 800 triệu USD thì trên 1 tỉ USD. “Vì thế, nếu dự án phát sinh dẫn đến tỉ suất chiết khấu 9,41% thì chắc chắn các dự án không khả thi” - ông Ban nhìn nhận.

 

Không minh bạch thông tin thì khảo sát vô nghĩa

 

Tại hội thảo, ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), đề nghị để quyết định “số phận” của dự án bauxite Tây Nguyên thì phải đánh giá một cách đầy đủ tính hiệu quả của dự án Tân Rai ngay trong những tháng tới đây mà không nên đợi đến lúc dự án Nhân Cơ đi vào hoạt động dẫn đến cái giá phải trả sẽ rất lớn.

 

Ông Tú kiến nghị trong 3 đến 6 tháng tới, VUSTA cùng các nhà khoa học, chuyên gia, Bộ Công thương, Vinacomin chia thành nhiều nhóm đi khảo sát thực địa và sau đó tổ chức hội thảo để đưa ra đề xuất. Bộ Công thương, Vinacomin phải minh bạch thông tin về dự án nếu không thì việc khảo sát là vô nghĩa.



Một trong số yêu cầu của các nhà khoa học, đến thời điểm này, khi các dự án đã gần hoàn tất phải đánh giá lại quá trình thử nghiệm để tính toán các bước tiếp theo. Muốn như vậy, mọi thông số phải thực sự khách quan, khoa học, bất chấp kết quả thử nghiệm lỗ hay lãi. Dự án đã được Bộ Chính trị cho phép làm thí điểm.

 

Vì vậy khi tổng kết không cần quan tâm làm lỗ hay lãi mà phải đi tìm số liệu chính xác, đứng trên cơ sở lợi ích của dân của nước để có căn cứ báo cáo chính thức với Bộ Chính trị về hướng sắp tới.



Theo ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đây là thời điểm chín muồi để đánh giá kết quả các dự án không phải đợi đến lúc hoàn thành dự án Nhân Cơ mới tổng kết, vì lúc đó sợ rằng sẽ quá muộn để đưa ra định hướng cho giai đoạn sắp tới.

 

Ông Tú cho rằng có thể xảy ra một số tình huống. Một là vẫn tiếp tục xây dựng và vận hành 2 nhà máy, hai là loại bỏ và dừng hết. “Phương án trung tính nhất, chỉ hoàn tất một dự án và tạm dừng dự án đang dở dang” - ông Tú nói và cho rằng, dù chọn phương án nào cũng cần tính toán cẩn trọng. Sau khi chọn phương án nào cũng phải xem hiệu quả của từng phương án, từ đó đề ra kịch bản chọn lựa làm định hướng cho giai đoạn tới. Thứ nhất, hiệu quả kinh tế tài chính, TKV mới tính hiệu quả kinh tế doanh nghiệp chứ chưa tính hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể. Thứ hai, ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội phải đánh giá từng hiệu quả an ninh quốc phòng.

B.N (Tổng hợp Nld, SGGP/ ĐVO)