Hòa Thượng Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Tri Sự GHPGVN Q. Phú Nhuận
Hòa Thượng Thích Thanh Hùng, Phó Ban Trị Sự GHPGVN Q. Phú Nhuận
Sư cô TN Huệ Đức, Phó ban văn hóa THPG Tp. HCM, Trụ trì Quan Âm Tu Viện.
Sư cô Huệ Đức bên hoa sen đầu tiên vừa hoàn chỉnh
Từ hình ảnh Bảy Đóa Sen Hồng trên sông Hương do Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện để cúng dường ngày Khánh đản của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni trong những năm qua, Sư cô Huệ Đức – Trụ trì Quan Âm Tu Viện, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đã nảy ra ý tưởng thiết kế Bảy Đóa Sen Hồng trên kênh Nhiêu Lộc để cúng dường ngày Phật đản. Với ý tưởng này, Sư cô đã trình lên Ban Trị Sự GHPGVN Q.Phú Nhuận và được chư tôn đức trong Ban Trị Sự GHPGVN Q.Phú Nhuận tán đồng, lấy đó làm một hoạt động trong chuỗi chương trình kính mừng đại lễ Phật đản của Phật giáo quận nhà. Để thực hiện ý tưởng của mình, Ban tổ chức đã mời anh Nguyễn Đình Khanh, Giám đốc công ty cơ khí Bảo Quốc – Huế, cùng nhóm kĩ sư thực hiện 7 đóa sen trên sông Hương vào TP.HCM để hướng dẫn kĩ thuật cho nhóm thi công 7 đóa sen trên kênh Nhiêu Lộc.
Và từ đó, “Bảy Đóa Sen Hồng” đã được chọn làm chủ đề cho chương trình khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm” kỳ 14 do Quan Âm Tu Viện tổ chức vào ngày 12/5/2013 dành cho các em sinh viên học sinh, để giới trẻ được tham gia vào việc dán cánh sen và có một kí ức đẹp về một đại lễ Phật đản. “Bảy Đóa Sen Hồng” cũng là chủ đề của đêm văn nghệ mừng kính mừng Phật đản của Phật giáo Q.Phú Nhuận được tổ chức trong đêm thắp sáng 7 đóa sen trên kênh Nhiêu Lộc, với sự tham gia biểu diễn của những ca sĩ nổi tiếng.
Huế được xem là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo miền Nam Việt Nam, việc lấy ý tưởng bảy đóa sen trên sông Hương để thiết kế bảy đóa sen trên kênh Nhiêu Lộc cũng có thể xem như là sự phát triển bắt nguồn từ nguồn gốc, từ cội rễ của Phật giáo Việt Nam. Việc làm này càng có ý nghĩa hơn khi mùa Phật đản năm nay cũng là dịp mà Phật giáo đồ trong cả nước đang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Ngài Thích Quảng Đức, một người con của đất Việt, một bậc chân tu đã nguyện đốt thân để thắp lên ngọn đuốc trí tuệ và từ bi tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Sài Gòn, nhằm đấu tranh đòi tự do, bình đẳng tôn giáo và bảo vệ Phật giáo trước sự đàn áp, khủng bố của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Hoa sen, ngoài những ý nghĩa thắm đượm tinh thần Phật giáo và là hình ảnh gắn liền với sự kiện đản sanh của Đức Phật, nó còn là một quốc hoa, cho nên việc phát triển, nhân rộng mô hình bảy đóa sen hồng trên sông cũng là một cách nhằm tôn vinh vẻ đẹp cũng như giá trị của quốc hoa.
Một duyên lành cho ý tưởng “Bảy Đóa Sen Hồng” trên kênh Nhiêu Lộc nữa là hiện trạng trong sạch, tươi đẹp và tươm tất của kênh Nhiêu Lộc. Cách đây vài năm, kênh Nhiêu Lộc bị ô nhiễm nặng, ai đi ngang qua cũng cảm thấy khó chịu vì mùi hôi nồng nặc bốc lên từ dòng nước đục ngầu của con kênh, nhưng thời gian gần đây con kênh đã được cải tạo, bờ kênh được đầu tư xây dựng các lối đi bộ, hàng rào chắn, cây xanh… tạo nên cảnh quan đẹp và thơ mộng. Đây là điều kiện lý tưởng để đặt xuống đấy những đóa sen hồng thắm cúng dường ngày Phật đản, để người dân thành phố có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Điều đáng cảm kích là khi tiến hành các công đoạn làm khung và căng vải cho những đóa sen khổng lồ, Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia góp sức của các Phật tử có tâm huyết với Phật pháp, đặc biệt là nhiều bạn trẻ, họ là những sinh viên, học sinh, những người tri thức trẻ đã dành thời gian quý báu của mình để góp phần tạo nên những đóa sen hồng thắm. Nhiều người bận đi học, đi làm cũng vẫn tranh thủ khoảng thời gian buổi tối để đến chùa phụ làm cánh sen. Qua đó cho chúng ta thấy ngày càng có nhiều người trẻ tuổi, có trình độ, có học thức đi chùa và làm công quả chứ không phải chỉ có những người lớn tuổi mới đi chùa như câu nói “Trẻ vui nhà, già vui chùa” như trước đây.
Sau đây là một số hình ảnh ghi lại từ các công đoạn làm hoa sen: