Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tài nguyên khu bảo tồn biển ở Khánh Hòa rất phong phú, các nhà báo lặn biển ngắm san hộ bắt được tôm hùm (ảnh:Việt Nhân)
Khác với KBTB Hòn Mun -Nha Trang, có kinh phí bảo vệ, có ban quản lý được trả lương, được khai thác du lịch thì KBTB Rạn Trào được bảo vệ bởi chính những người dân sống trong vùng.
Từ việc giữ môi trường ven bờ không bị suy thoái
Những kết quả điều tra trước khi thành lập khu bảo vệ biển Rạn Trào cho thấy nơi đây độ phủ san hô cứng ước tính là 10-20% - thậm chí là ít hơn so với độ phủ trung bình thấp của quốc gia.
Các hoạt động thủy sản hủy diệt (thuốc nổ, thuốc độc, giã cào) và không bền vững đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng khai thác thủy sản, làm tuyệt diệt các loài thủy sản có giá trị thương mại cao như ốc hương, hải sâm, tôm hùm, cá mú, hơn nữa còn làm hủy hoại nghiêm trọng các rạn san hô và gây xói mòn vùng bờ. Tình trạng còn trở nên xấu hơn do sự nuôi trồng thủy sản (tôm hùm, tôm sú) bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng dịch bệnh và mâu thuẫn xã hội.
Với mục tiêu bảo vệ Rạn Trào khỏi sự khai thác quá mức và hủy diệt và để phục hồi, tái tạo lại môi trường ven bờ đang bị suy thoái, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã tích cực hỗ trợ cộng đồng và chính quyền xã Vạn thúc đẩy quá trình xây dựng khu bảo vệ biển do địa phương quản lý.
Theo hệ thống phân loại khu bảo tồn của IUCN, khu bảo vệ Rạn Trào được xếp loại 2: ngăn cấm khai thác nhưng cho phép các hoạt động khoa học, giáo dục và giải trí.
Các kết quả điều tra cho thấy có sự gia tăng về độ phủ san hô cứng và mềm tại hai vị trí trong khu bảo vệ trong khi đó mật độ san hô chết được ghi nhận nhiều nhất tại hai vị trí bên ngoài khu bảo vệ, điều này cho thấy tác động, ảnh hưởng của các hoạt động khai thác thủy sản, ô nhiễm và chất trầm tích từ nuôi trồng thủy sản đang làm hủy hoại các rạn san hô không được bảo vệ này.
Tuy nhiên kết quả điều tra 2009 cho thấy độ phủ san hô mềm tại Rạn Tướng – khu vực không được bảo vệ, lại tăng lên đáng kể. Điều này vì tốc độ tăng trưởng của san hô mềm đạt nhanh hơn san hô cứng và một số loài san hô mềm ở Rạn Tướng có khả năng chống chịu với ô nhiễm tốt hơn so với san hô cứng.
Thành công từ việc đồng quản lý
Khu bảo vệ Rạn Trào đã được thừa nhận như là một mô hình quản lý nguồn lợi ven biển. Cách tiếp cận của mô hình này là dựa trên nhu cầu và nỗ lực của địa phương để bảo vệ và giữ gìn các rạn san hô quan trọng và các hệ sinh thái liên quan, mang lại lợi ích lâu dài và cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội của người dân địa phương.
Trong những năm cuối của dự án, Rạn Trào đã được chuyển đổi từ một dự án thành một cơ cấu quản lý có tổ chức, có vận hành và cần được sự đầu tư phát triển bền vững hơn.
Mô hình này đã tăng cường khả năng tiếp cận đồng quản lý thông qua làm việc với các nhóm cộng đồng địa phương xã Vạn Hưng và mở rộng sự hợp tác với các bên liên quan khác trong đó có các cơ quan quản lý cấp huyện, cấp tỉnh.
Cách tiếp cận này đã thành công trong việc tận dụng sự hỗ trợ của địa phương cho Khu bảo vệ cũng như tạo sự liên kết, mạng lưới ở cấp quốc gia, cấp vùng.
Cộng đồng địa phương (thông qua nhóm nòng cốt) là những thành viên tích cực trong vận hành khu bảo vệ.
Cách tiếp cận của MCD đã có hiệu quả và tác động tới các cộng đồng thông qua các nhóm nòng cốt này, đồng thời kỹ năng lãnh đạo của các thành viên cộng đồng trong các nhóm này cũng được vận dụng và cải thiện.
Tăng cường năng lực (kể cả nâng cao nhận thức) và phát triển các kỹ năng như quản lý, bảo tồn và sự tổ chức (các nhóm cộng đồng, các cơ quan ban ngành liên quan) là những thành phần không thể thiếu để quản lý hiệu quả khu bảo vệ.
Rạn Trào đã mang lại một kinh nghiệm học hỏi rất tốt để áp dụng đồng quản lý thủy sản vào thực tế thông qua khu bảo vệ. Sự tham gia và kết nối giữa chính quyền và người dân luôn là yếu tố hàng đầu đảm bảo sự quản lý thành công nguồn tài nguyên thiên nhiên của Khu bảo vệ.
Các khu bảo vệ biển quy mô nhỏ rất có tiềm năng trở thành những công cụ hiệu quả không chỉ về mặt bảo tồn đa dạng sinh học mà còn về đồng quản lý nguồn lợi.
Trong bối cảnh của Việt Nam sự tham gia của những tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận như MCD có thể là cần thiết để xây dựng, hỗ trợ và duy trì sự hợp tác qua lại này.
Xây dựng và triển khai đồng quản lý là một quá trình học tập và đào tạo liên tục và khối phi chính phủ là người phù hợp để hỗ trợ quá trình đó.
Bên cạnh việc cố gắng đạt được mục tiêu quản lý, đồng quản lý cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển cộng đồng. Bằng việc tạo cơ hội để trao quyền cho các thành viên cộng đồng (ngư dân, phụ nữ, người nuôi trồng thủy sản) để họ được bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp làm việc với các đối tác chính phủ, cộng đồng còn được tìm kiếm và đưa ra các giải pháp để giải quyết những mối quan tâm của riêng họ về quản lý tài nguyên thiên nhiên.