Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần phải đưa sữa trẻ em vào danh mục bình ổn giá

(15:23:35 PM 27/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Vừa qua, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về thị trường sữa với sự tham dự của đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk).

Hình ảnh minh họa

Sữa là một mặt hàng thiết yếu, có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng thực phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có sự trục lợi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và những kẽ hở trong công tác quản lý, giá các mặt hàng sữa đã tăng chóng mặt. Chỉ trong 6 năm trở lại đây, giá sữa bột đã tăng 30 lần. Chất lượng sữa cũng còn nhiều điều đáng bàn.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan chức năng đều nhìn nhận giá và chất lượng sữa là chủ đề đáng quan tâm, là trách nhiệm của nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh sữa. Mặt hàng này ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, đến tương lai nòi giống Việt.

Nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nhưng việc đăng ký giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi của doanh nghiệp chỉ là một trong những biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý và chỉ làm khi cần thiết.

Chính việc quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Nhà nước, đã tạo kẽ hở để những nhà sản xuất và phân phối sữa lách luật. Một số doanh nghiệp kinh doanh sữa đã thay đổi tên sữa thành thực phẩm dinh dưỡng bổ sung để không phải nằm trong diện quản lý giá bởi sản phẩm này không nằm trong danh mục được bình ổn giá.

Để chấn chỉnh việc tăng giá sữa ào ạt, ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng trong chuỗi quản lý sản phẩm, cần phải tăng cường quản lý ở từng khâu, sản phẩm nhập khẩu phải được phân loại hàng hóa, doanh nghiệp nào cố tình thay tên đổi nhãn thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý, tên gọi sản phẩm cũng phải chuẩn, thống nhất.

Để quản lý giá, ngay từ đầu năm, khi Luật Giá có hiệu lực, Cục Quản lý giá đã có công văn gửi các Sở Tài chính hướng dẫn lại về quản lý giá, đăng ký giá. Các Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan thuế đi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng và hiện nay đã có gần 30 Sở Tài chính gửi báo cáo.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, sở dĩ các mặt hàng sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kilôgram với số lượng lớn tồn tại trên thị trường là do những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh, buôn bán kiếm lời và tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Hiện nay, chất lượng sản phẩm sữa trong nước đã được nâng lên rất nhiều, giá cả chấp nhận được nhưng việc thông tin cho người dân để tiêu thụ hàng trong nước còn hạn chế.

Trong bối cảnh, nhà nước đang vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì vấn đề thông tin để người tiêu dùng biết cần được đặt ra mạnh mẽ hơn. Bản thân các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải định hướng cho người tiêu dùng. Để bảo vệ người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn, các lực lượng chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan chức năng cũng trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến giảm chi phí quảng cáo, hội thảo để giảm một phần chi phí giá sữa và trả lời câu hỏi của độc giả về các vấn đề liên quan. Các ý kiến đồng tình với việc dù mang tên là sữa bột, sữa công thức hay sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn vi chất dinh dưỡng… đều phải đưa vào danh mục hàng hóa bình ổn giá, phải quản lý giá dù dưới bất kỳ tên gọi nào.

Theo TTXVN