Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lo ngại đàn cò nhạn quí hiếm mới xuất hiện bị săn trộm

(13:59:36 PM 27/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Thời gian gần đây, tại địa bàn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã xuất hiện loài cò nhạn quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Vào các buổi sáng, chiều hàng ngày, đàn cò nhạn lên đến hàng trăm con xuất hiện tại những cánh đồng lúa của xã Mường Phăng để kiếm mồi.

Đàn cò nhạn lên đến hàng trăm con xuất hiện tại những cánh đồng lúa của xã Mường Phăng

Điều đáng ngại là số phận của hàng trăm cá thể cò nhạn này đang đứng trước những hiểm nguy khi từng ngày người dân trên địa bàn đang tìm cách săn, bẫy loài chim quý hiếm này.

Nhiều người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, cứ vào thời điểm từ 6  đến 10 giờ và 14 đến hơn 16 giờ hàng ngày, đàn cò nhạn thường xuất hiện trên những ruộng lúa của nhân dân trong xã.

Cò nhạn kiếm ăn ở nhiều ruộng lúa nhưng tập trung nhiều ở thửa ruộng các bản Phăng 1, Phăng 2, Phăng 3, Đông Mệt, Bua và tại các thửa ruộng các bản Tân Bình, Khá (rải rác xung quanh khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ) với số lượng hàng trăm con. Cao điểm, số lượng cò nhạn trên địa bàn xã Mường Phăng lên đến gần 500 cá thể.

Anh Lường Văn Quân, sống tại bản Bua cho biết: “Loài chim này về đây hơn một tuần nay rồi. Khi xuất hiện, nó thường bay trên trời một lúc mới sà xuống ruộng để kiếm ăn hay sao ấy. Hình dáng nó giống như chim cò, sếu nhưng nó to hơn nhiều, mỏ và chân nó cũng dài lắm. Đàn chim này cũng dạn người, khi nào có người đến thật gần chúng nó mới bay đi, rồi lại sà xuống ở ruộng gần đó. Mình chẳng biết nó là loại chim gì.”


 



Có mặt tại bản Bua vào một buổi sáng sớm, phóng viên chúng tôi đã ghi lại được hình ảnh về đàn cò nhạn này. Điểm trên nền trời là hình ảnh đàn cò nhạn khoảng gần 300 con đang chao lượn. Phía dưới ruộng lúa là hàng chục con cò nhạn khác đang di chuyển để kiếm mồi. Sau hàng chục phút bay lượn, đàn cò nhạn sà xuống đậu kín những bụi tre, những thân, cành cây tầm thấp mọc cạnh bờ ruộng hay những mô đất nhỏ trên ruộng.

Theo ý kiến của nhiều người dân trên địa bàn thì việc mực nước hồ Pa Khoang xuống thấp, nhiều diện tích lòng hồ bị cạn nên nguồn thức ăn như tôm, cá, thủy sinh dồi dào đã thu hút loài chim này về đây kiếm mồi. Địa bàn xã Mường Phăng có nhiều diện tích rừng là nơi an toàn, thích hợp cho loài chim này trú ngụ.

 



Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn đã rủ nhau đi bẫy đàn cò nhạn này. Sau gần 1 tiếng đồng hồ thăm đồng, lội trên những diện tích ruộng mà đàn cò nhạn vừa bay đi, chúng tôi đã đếm được gần 20 chiếc bẫy được đặt ở những vị trí xa, gần khác nhau trên những thửa ruộng của người dân bản Bua. Cơ chế hoạt động của bẫy rất đơn giản nhưng tính hiệu quả thì rất cao: Khi cò nhạn bước chân vào dây thòng lọng thì lập tức lẫy bẫy sẽ bật khỏi trục đứng, lúc đó cần bẫy sẽ bật mạnh, xiết thòng lọng lại, trói chặt chân hoặc cổ của cò nhạn.

Theo ông Thàm Văn Nọi, Kiểm lâm địa bàn xã thì việc tuyên truyền cấm người dân trên địa bàn săn bắt, tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã, chim trời đã được cán bộ kiểm lâm xã, bảo lâm phối hợp với chính quyền thực hiện khi họp dân. Người dân địa bàn cũng đã ký cam kết về các nội dung này.

Tuy nhiên, theo ông Nọi thì nội dung tuyên truyền khó thực hiện trong dân bởi “dân ở đây, nhiều người biết (nội dung ký cam kết) nhưng người ta làm ngơ… Các cuộc họp, người đại diện cho gia đình đi họp thường là phụ nữ thôi.”

 


Bẫy cò nhạn

Đề cập về vấn đề này, ông phạm Văn Khiên, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết cò nhạn rất thích ứng với những khu vực có điều kiện thuận lợi để trú ngụ, kiếm mồi. Xã Mường Phăng là địa bàn có điều kiện sinh cảnh đa dạng (ruộng, sông, hồ, rừng núi…) nên cò nhạn đã di cư về đây kiếm mồi, sinh sống.

Ông cho biết về trách nhiệm phía ngành, đơn vị sẽ thực hiện công tác kiểm tra tình hình để từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho kiểm lâm địa bàn phối hợp tốt với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ đàn cò nhạn cho người dân trên địa bàn; Đồng thời sẽ tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm dù dưới hình thức nào (săn, bắn, bẫy) làm ảnh hưởng đến đàn cò nhạn để bảo vệ số lượng cò nhạn một cách tốt nhất.


 Cò nhạn (còn gọi là Cò Ốc), tên khoa học là Anastomus oscitans, thuộc họ Diệc, bộ Hạc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Trên thế giới, cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á. 

Ở Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam bộ và Tây Ninh. cò nhạn có trọng lượng khoảng từ 1 đến 1,2 kg, có đặc điểm sinh sống định cư; Nhưng khi vùng sinh sống, nơi kiếm thức ăn bị thu hẹp thì chúng di cư tới vùng khác thuận lợi hơn. Thức ăn chủ yếu của loài chim này là ốc, các động vật thủy sinh.

Xuân Tiến (Vietnam+)