Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Kỹ sư Nguyễn Quyền dẫn chúng tôi đi tham quan Nhà máy thủy điện Krông Hin do ông làm chủ sở hữu và kể về hành trình tham gia khảo sát, thiết kế và xây dựng hàng chục công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trên cả nước. Sinh năm 1940 tại Hà Tĩnh trong một gia đình dòng dõi trí thức, năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành thủy lợi – thủy điện, kỹ sư Nguyễn Quyền về công tác tại tỉnh Lào Cai. Từ đó cuộc đời ông gắn bó với các công trình thủy lợi, thủy điện trên cả nước cho đến nay. Công trình đầu tiên ông tham gia khảo sát, thiết kế và xây dựng là Thủy điện Lào Cai. Vào thời đó, công trình này đủ cung cấp điện cho cả thị xã Lào Cai và một phần nhu cầu điện của mỏ Apatit Cam Đường. Ông Quyền nhẩm tính, cho đến nay, ông đã tham gia khảo sát, thiết kế và xây dựng hơn 40 công trình thủy điện lớn, nhỏ trên cả nước. Còn nếu tính cả các công trình thủy lợi thì không thể nhớ nổi.
Ông Quyền bộc bạch: tham gia khảo sát, thiết kế và xây dựng thủy lợi thủy điện vất vả lắm. Cơm đùm mắm gói băng rừng, trèo đèo lội suối hàng tháng trời để khảo sát địa bàn. Từ bệnh sốt rét ác tính, đối mặt với thổ phỉ, thú dữ… ông đều đã trải qua. Kinh nghiệm nhiều, kiến thức giỏi, tham gia khảo sát, thiết kế và thi công nhiều công trình thủy điện, thủy lợi lớn trong cả nước khiến tên tuổi kỹ sư Nguyễn Quyền “nổi như cồn” trong ngành. Năm 1993, khi đang làm Giám đốc công ty Khảo sát Thiết kế thủy lợi – thủy điện Đắk Lắk, ông xin nghỉ hưu trước tuổi để có nhiều thời gian tập trung tham gia khảo sát, thiết kế các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Năm nay 73 năm tuổi đời, kỹ sư Nguyễn Quyền đã có tới 52 năm gắn bó với nghề làm thủy điện, thủy lợi.
Năm 2003, Nhà nước chính thức cho phép tư nhân tham gia làm thủy điện, ông lập hồ sơ xin được đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Krông Hin. Đây là công trình thủy điện tư nhân đầu tiên ở Tây Nguyên được cấp phép đầu tư. Ông Quyền nhớ lại, vì là công trình thủy điện tư nhân đầu tiên nên việc hoàn tất và được phê duyệt các thủ tục đầu tư cũng vất vả hơn. Bù lại, công trình được ưu đãi nhiều thứ, như: tạo điều kiện khai thác mặt bằng, miễn tiền thuê đất. Ông kể: hồi đó, ai cũng nói ông quá liều khi dám bỏ cả trăm tỷ vào chốn “rừng thiêng núi độc”, do đây là nơi có tiểu vùng khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn, rất khắc nghiệt. Vì vậy việc khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình không những phải được tính toán kỹ lưỡng, gần như không có sai số mà còn phải đảm bảo ở mức tiết kiệm tối đa, sao cho chi phí đầu tư trên mỗi MW phải thấp nhất, giảm thiểu tối đa sự tác động đến đời sống sản xuất của người dân trên địa bàn cũng như tác động tiêu cực đến môi trường rừng.
Thay vì phải chở từng ống thép xiphông từ TP. Hồ Chí Minh vượt gần 500km đến công trường, ông tự chế tạo hẳn một máy cuốn thép, mua thép cuộn về tự sản xuất hơn 2.000 ống xiphông có đường kính 1,6m. Máy tời, cần cẩu để lắp ghép từng đoạn ống xiphông nặng 3,5 tấn cũng được ông “chế” lại để dễ dàng vận chuyển và vận hành phù hợp với địa hình đồi dốc thẳng đứng ở đây. Sau gần 4 năm, từ khi nộp hồ sơ xin đầu tư, ngày 26/7/2006 hai tổ máy của Nhà máy thủy điện Krông Hin có cột nước áp lực hơn 120m, công suất 5MW đồng loạt phát điện, hòa vào điện lưới quốc gia. Ông Quyền tâm sự: “Mỗi lần nhớ đến thời khắc công trình thủy điện do mình lập bản vẽ, bản thiết kế, tự đánh máy toàn bộ bản thuyết minh, rồi trực tiếp chỉ đạo thi công, vận hành… hòa vào lưới điện quốc gia thành công, tôi lại xúc động muốn khóc”. Từ đó đến nay, mỗi năm Thủy điện Krông Hin phát lên mạng điện lưới quốc gia từ 27 – 30 triệu kwh. Tổng vốn đầu tư cho công trình này là hơn 102 tỷ đồng, theo đó chi phí đầu tư cho mỗi MW là 20 tỷ đồng và được xem là định suất đầu tư thuộc hàng thấp nhất.
Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ do tư nhân bỏ vốn đầu tư, với tổng công suất 58 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong số này hiện có 8 nhà máy đang báo lỗ. Riêng thủy điện Krông Hin của kỹ sư Nguyễn Quyền đang có lãi lớn. Đến năm 2011, ông Quyền đã hoàn thành việc trả hơn 64 tỷ đồng tiền vốn vay ngân hàng. Với giá bán điện bình quân 960 đồng/kwh như hiện tại, doanh thu hàng năm của Nhà máy thủy điện Krông Hin đạt từ 25 – 27 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu của thủy điện Krông Hin đạt hơn 25 tỷ đồng, nộp các khoản thuế cho Nhà nước hơn 3,7 tỷ đồng, trong đó có thuế tài nguyên nước hơn 630 triệu đồng và 530 triệu đồng phí môi trường rừng. Thu nhập của 32 cán bộ, công nhân vận hành nhà máy đạt từ 6 – 8 triệu đồng/tháng/người. Ông Quyền tính toán, với đà này chỉ vài năm nữa là Nhà máy thủy điện Krông Hin hoàn đủ 100% vốn đầu tư. Không những là nhà máy thủy điện tư nhân duy nhất làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao, thủy điện Krông Hin còn được đánh giá là một trong số ít các thủy điện thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả an sinh xã hội cao. Trong tổng số 59 ha đất được giao để xây dựng thủy điện Krông Hin, chỉ có 5 ha cà phê, còn lại hầu hết đều là đất trống đồi núi trọc; không có hộ dân nào bị ảnh hưởng, phải di dời, tái định cư, định canh. Nhờ vậy, thủy điện Krông Hin vừa giảm thiểu được tác động tiêu cực vào môi trường, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư. Ông Quyền cũng chỉ sử dụng chưa đến 40 ha trong tổng số đất được giao.
Đặc biệt, dù không tác động lớn đến môi trường rừng, nhưng từ khi đi vào vận hành đến nay, thủy điện Krông Hin của kỹ sư Quyền đã thực hiện trồng hơn 32 ha rừng, vừa để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa là nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công nhân của nhà máy. Nhờ nguồn nước của thủy điện Krông Hin, hơn 250 ha cà phê và 50 ha lúa nước của đồng bào 2 xã Ea M’đoan và Cư Króa được phục vụ nước tưới miễn phí; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên cho hàng trăm hộ dân quanh vùng. Riêng việc cung cấp nước tưới cho gần 500 ha cà phê của Công ty Cà phê 715, ông Quyền hợp đồng thu 500 đồng/m3 nước. Toàn bộ số tiền này được nhập vào quỹ cải thiện đời sống của nhà máy.
Ông Vũ Hữu Nhân, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy M’Đrắk cho biết: “Nhà máy thủy điện Krông Hin không những đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách địa phương mỗi năm mà còn phục vụ nước tưới, nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản cho hàng trăm hộ dân trong khu vực. Đây là nhà máy thủy điện không tàn phá rừng tự nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường”. Kỹ sư Nguyễn Quyền khẳng định: “làm thủy điện tư nhân nếu chủ động được nguồn vốn, thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công một cách kỹ càng, hạn chế tối đa được chi phí phát sinh thì sẽ luôn có lãi”. Hiện nay, ông đang góp vốn xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở tỉnh Đắk Nông có mô hình tương tự như thủy điện Krông Hin. Ông tâm sự: "Trong khi cả nước đang thiếu điện, phải bỏ ngoại tệ mua điện giá cao của nước ngoài, thì việc bỏ phí tiềm năng thủy điện là quá lãng phí. Quan trọng là làm thủy điện phải giải được bài toán về môi trường”.