Số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng |
PV: Chỉ trong vòng 3 tháng, giá sữa đã tăng đến 3 lần và lý do tăng giá chỉ có một: thay đổi bao bì sản phẩm nhưng trọng lượng, hàm lượng dinh dưỡng không có gì thay đổi. Hiện trạng đó khiến người tiêu dùng không khỏi đặt ra câu hỏi: trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu khi để giá sữa tăng vô tội vạ như vậy?
Ông Phạm Vũ Anh: Trước ngày 1/1/2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, chúng ta có Pháp lệnh Giá, Nghị định của Chính phủ về quản lý giá, theo đó, giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để xem đăng ký giá có hợp lý không, chứ nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này.
Từ 1/1/2013, khi Luật Giá có hiệu lực, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi cũng là mặt hàng bình ổn giá, nhưng bản chất có khác là việc đăng ký giá của doanh nghiệp chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý, khi cần thiết thì mới làm. Tức là có sự khác nhau giữa đăng ký giá thời điểm trước và sau khi có Luật Giá.
Hiện nay, nhiều sản phẩm trước đây là sữa bột đã thay đổi tên gọi thành sản phẩm dinh dưỡng nên không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá, đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý vấn đề này.
PV: Có một thực tế là giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đã phải gánh theo rất nhiều chi phí như chi phí sản xuất, vận chuyển... đặc biệt là chi phí quảng cáo, khiến giá thành bị đội lên rất nhiều và người tiêu dùng chính là người phải gánh chịu. Vậy có nên cân nhắc việc cấm các doanh nghiệp đổ tiền vào quảng cáo sữa để người tiêu dùng được mua sữa rẻ hơn và nhiều hơn?
Ông Hà Quang Tuấn: Giá sữa bao gồm trong đó chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo, nên giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí giá sữa. Số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, tuy nhiên, việc có những chính sách cấm quảng cáo sữa cũng cần xem xét, vì một trong các quyền của người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nếu cấm thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, vì vậy việc dùng biện pháp hành chính để cấm, hạn chế quảng cáo thì cần phải xem xét.
Chúng ta có thể xem xét những giải pháp khác, vừa giúp cho doanh nghiệp có các sản phẩm có chất lượng, làm ăn uy tín được khách hàng biết đến, lại vừa có thể giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm chưa tốt như thông qua các cuộc thăm dò, bình chọn. Ví dụ như bình chọn giống như Bài hát Việt chẳng hạn.
Như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp mà đem lại lợi ích chung cho người tiêu dùng. Và chi phí dành cho quảng cáo thì doanh nghiệp có thể dành vào nghiên cứu ra các sản phẩm mới, phù hợp hơn với người Việt Nam.
PV: Theo quy định mới hiện nay thì hầu như không sản phẩm mang tên sữa mà thay bằng thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng... Vậy khi quảng cáo (trên truyền hình, trên trang web, nhân viên tư vấn cho khách hàng...) sẽ phải thay đổi như thế nào cho đúng luật?
Ông Lê Hoàng: Để tránh việc người tiêu dùng hiểu lầm với sữa bột nguyên liệu, các loại sữa mà trước đây chúng ta quen gọi là sữa bột đã được trở về đúng tên gọi của nó là thực phẩm bổ sung. Vì vậy, từ giờ trở đi, các hãng sữa phải lấy đúng theo tên đã đăng ký là sản phẩm dinh dưỡng công thức. Còn những quảng cáo trên truyền hình thì phải phụ thuộc vào hồ sơ công bố, khi các doanh nghiệp công bố như thế nào thì phải quảng cáo theo đúng như thế, không thể khác được.
Còn khi nhân viên tư vấn ở ngoài, như ở các cửa hàng thì các cơ quan quản lý rất khó kiểm soát. Ví dụ như tôi nói với bạn, rồi bạn đi nói với người khác sẽ rất là khó. Nhưng với những quảng cáo chính thống như trên trang web, trên truyền hình thì phải đúng, nếu không thì sẽ là phạm luật.
PV: Trên thị trường hiện nay, tình trạng các loại sữa được bán theo bao cả mấy chục kg, hay từng gói vài kg một đã xuất hiện tràn làn trên thị trường mà không có nhãn mác, hạn sử dụng, chỉ tiêu hàm lượng được công bố. Vậy trách nhiệm của Cục QLTT trong vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Thanh Lam: Nhiều cá nhân, cơ sở đã vì lợi nhuận mà buôn bán các loại sữa nhập lậu, sữa kém chất lượng, quá hạn sử dụng... với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.
Họ không bày bán công khai bên ngoài hoặc cố tình hợp thức hóa hóa đơn chứng từ để đối phó với các cơ quan quản lý, nên gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và xử phạt.
Bản thân cơ quan quản lý thị trường chúng tôi, đã nhiều lần đề nghị và hợp tác tích cực với nhiều cơ quan chức năng, báo chí, người dân để xử lý các vi phạm trong đó có liên quan đến mặt hàng sữa, như trong vụ sữa dê Danlait vừa qua.
PV: Vừa qua, báo chí đã phản ánh tình trạng nhiều bác sỹ đã bắt tay quảng cáo, tham gia các hội thảo của các công ty sữa, thực phẩm chức năng, hay dùng uy tín của mình đã để viết bài quảng cáo cho các hãng sữa. Vậy Cục ATTP có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Lê Hoàng: Đúng là có hiện tượng bác sĩ tham gia quảng cáo sữa và thực phẩm chức năng. Bản thân tôi chưa bao giờ tham dự những buổi như vậy, nên chưa rõ nội dung là như thế nào.
Còn về phía Bộ Y tế, Bộ đã ban hành Thông tư 08/2013 hướng dẫn quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực từ 26/4/2013.
Trong Thông tư 08 đã quy định rất cụ thể việc tổ chức hội thảo, hội nghị để giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó là quy định cụ thể việc đăng ký, xác nhận việc tổ chức hội thảo, hội nghị đó; và trong thông tư cũng quy định rõ về báo cáo viên như ai được quyền báo cáo, điều kiện như thế nào mới được làm báo cáo viên...
Quan trọng nhất là phải đăng ký nội dung tài liệu để giới thiệu sản phẩm tại hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp. Đây chính là quy định để quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề giới thiệu sản phẩm tại hội thảo, hội nghị của doanh nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn ông!