Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đàn Cò Nhạn cực quý hiếm di trú trở lại Điện Biên
Qua công tác theo dõi, nắm tình hình, đối chiếu hình ảnh, ngành Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã khẳng định đây là loài Cò Nhạn, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, bậc R (cực kỳ quý hiếm).
Trong 2 ngày 23-24/4, qua quá trình khảo sát thực tế tại địa bàn, phóng viên ghi nhận: Tại các đồi thông Tổ dân phố 20, phường Tân Thanh, cứ khoảng hơn 15 giờ hàng ngày, đàn Cò Nhạn đi ăn rải rác ở các thửa ruộng trong khu vực lòng chảo Mường Thanh lại bay về trú ngụ, ước đạt số lượng đàn Cò Nhạn trú ngụ ở đây khoảng 300 cá thể.
Theo nhiều người dân, ngày mà Cò Nhạn bay về nhiều, số lượng cá thể của đàn có thể lên đến khoảng gần 1.000 con. Bác Lý Đình Then ở Tổ dân phố 20, phường Tân Thanh cho biết, đàn chim này trước đây, vào năm 2012 đã xuất hiện trên địa bàn rồi sau đó không thấy nữa. Khoảng 1 tuần nay, đàn chim lại bay về đây rất đông. Loài chim này cao to, mỏ dài, lông có hai màu trắng xám và đen.
Qua hàng giờ đồng hồ leo dốc, thâm nhập lên các đồi thông, phóng viên nhận thấy l oài chim này rất dạn người, đậu ở độ cao trên những ngọn, cành thông cách người từ 6 đến 10m nhưng chúng vẫn không bay đi; lông loài chim này có 2 màu trắng xám, phần đôi của đôi cánh có màu đen, các bộ phận như chân, mỏ, cánh của loài chim này đều rất dài.
May mắn một điều là dù rất ít người dân địa phương biết chính xác về vai trò loài chim này nhưng ý thức bảo vệ đàn chim của nhân dân các tổ dân phố rất tốt. Bác Đàm Ngọc Tỉnh, tổ trưởng tổ dân phố 20 cho biết: Hiện nay, tổ dân phố đã có biện pháp bảo vệ đàn chim này bằng việc nghiêm cấm mọi người dân đi săn bắn, nhất là vào thời điểm ban đêm. Nếu thấy người lạ, có nhiều khả nghi đi vào địa bàn, nhất là lên khu đồi thông, bà con sẽ gọi điện báo với chính quyền, cơ quan chức năng xuống tại địa bàn để kiểm tra, xử lý nhằm để bảo vệ đàn chim một cách tốt nhất.
Ông Phạm Văn Khiên, Chi cục Phó Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên khẳng định: Cò Nhạn xuất hiện trên địa bàn khu vực lòng chảo Mường Thanh vào đầu tháng 4/2013, khi di trú trở lại đã chia làm nhiều đàn, xuất hiện ở nhiều địa phương.
Ở lòng chảo Mường Thanh, Cò Nhạn được phát hiện trên các cánh đồng vùng trong của huyện Điện Biên. Qua đánh giá, đàn Cò Nhạn ở khu vực lòng chảo số lượng lên đến gần 2.000 cá thể. Nơi kiếm ăn của chúng là những cánh đồng, các vực nước, hồ nước trên địa bàn. Khi kiếm ăn xong, đàn cò lại về trú ngụ ở các đồi thông tổ 14, 20, 22 ở phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
Cũng theo ông Khiên, Cò Nhạn đã đến di trú ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên với số lượng cá thể khoảng 1.000 con. Cò Nhạn xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhiều do môi trường sinh cảnh ở Điện Biên rất đa dạng, nhiều lưu vực sông, suối, hồ và đồng ruộng rộng lớn. Cùng với đó, quỹ rừng ở Điện Biên khá lớn đã tạo môi trường trú ngụ tốt cho Cò Nhạn sinh sống.
Trước thực tế này, với trách nhiệm bảo vệ các loại động vật hoang dã, trong đó có Cò Nhạn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu Ủy ban Nhân dân các xã có văn bản chỉ đạo thôn, bản có Cò Nhạn xuất hiện để tuyên truyền người dân cấm sắn bắt Cò Nhạn dưới mọi hình thức; đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm minh để làm các biện pháp răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong công tác bảo vệ đàn Cò Nhạn.
Theo lãnh đạo ngành Kiểm lâm Điện Biên nhận định, năm nay, Cò Nhạn di trú về Điện Biên sớm hơn năm trước khoảng 1 tháng. Trong thời gian tiếp theo, nếu thời tiết trên địa bàn không diễn biến bất thường, Cò Nhạn sẽ xuất hiện ở nhiều xã khác có môi trường sinh cảnh thích hợp với đặc điểm sinh hoạt của loài Cò Nhạn.