Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhà nghiên cứu về khủng long thuộc Đại học Calgary với một ổ trứng của loài này. (Nguồn: huffingtonpost)
Phát hiện mới được đăng tải trên tạp chí Paleobiology, đã hé mở mối liên hệ trong quá trình tiến hóa giữa loài chim và loài khủng long vốn đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm.
Loài động vật hiện còn sống có mối liên hệ gần gũi nhất với khủng long chính là cá sấu và chim. Chính vì thế, để tìm hiểu xem liệu khủng long có chôn vùi hoàn toàn trứng của chúng trong các vật liệu làm tổ như loài cá sấu hay không, hay để trứng lộ ra một phần như các loài chim ấp trứng, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Calgary và Đại học Montana đã kiểm tra một cách kỹ lưỡng vỏ trứng hóa thạch của loài khủng long nhỏ ăn thịt có tên gọi là Troodon.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện loài khủng long đặc biệt này đặt trứng của chúng gần như theo chiều dọc và vùi chỉ mỗi phần đáy trứng trong bùn.
Ngoài ra, vỏ trứng của Troodon cũng tương tự như các loài chim đẻ trứng, cho thấy loài động vật này đã không vùi hoàn toàn trứng của chúng dưới lớp vật liệu làm tổ như cá sấu trong quá trình ấp trứng.
Các nhà khoa học biết rằng đối với loài cá sấu và chim vùi hoàn toàn trứng của chúng để cho trứng nở thì trên vỏ những quả trứng này có rất nhiều lỗ chân lông và các lỗ hở li ti, cho phép quá trình hô hấp diễn ra. Khác với các loài chim ấp trứng mà không vùi trứng hoàn toàn, thì trứng của nó có rất ít lỗ thoát khí trên vỏ.
Các nhà nghiên cứu đã tính và đo số lượng các lỗ nhỏ trên vỏ trứng Troodon để đánh giá mức hơi nước thoát ra qua vỏ của Troodon so với trứng của loài cá sấu và chim thời hiện tại. Qua vỏ trứng, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng loài khủng long Troodon thuộc loại không vùi hoàn toàn trứng của chúng, giống với loài chim.
Họ tỏ ra khá lạc quan với phương pháp nghiên cứu của mình vì có thể áp dụng phương pháp này đối với hóa thạch trứng của các loài khủng long khác, nhằm phát hiện cách mà các loài trứng này đã được ấp.
Hiện nghiên cứu đặc biệt này cung cấp bằng chứng cho thấy loài khủng long ăn thịt có hành vi làm tổ giống loài chim và có nguồn gốc tiến hóa trước loài chim. Nó cũng cho biết thêm mối quan hệ rất gần gũi tiến hóa giữa hai loài động vật này.