Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tai hại tình trạng bón thừa phân cho cây cà phê

(08:33:43 AM 24/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, phần lớn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đều bón thừa phân cho cây cà phê không những gây lãng phí, tăng thêm chi phí đầu tư mà còn gây ô nhiễm môi trường đất và nước.

Hình ảnh minh họa

Nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, bình quân mỗi niên vụ cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã bón thừa lượng phân đạm, lân, kali (NPK) khá lớn, gây lãng phí trên 2,2 triệu đồng cho mỗi ha. Đặc biệt, khi giá cà phê nhân tăng cao, các nông hộ càng có xu hướng sử dụng phân bón cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của các đơn vị chức năng.

Cụ thể, mỗi niên vụ, các nông hộ, các doanh nghiệp ở Tây Nguyên bón thừa từ 42 kg đạm, 40 kg lân và 22 kg Kali trở lên/ha, trong đó, trong đó, chi phí cho phân đạm tăng nhiều nhất (chiếm 50%), kế tiếp là lân (30,5%), chi phí bón phân kali thấp nhất (19,5%). Cũng theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, việc bón phân cho cây cà phê vối khi đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch phải đúng tỷ lệ, số lần, thời điểm, liều lượng các loại phân trung lượng như lưu huỳnh, phân vi lượng như kẽm, bo, phân hữu cơ thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đối với những vùng trồng cà phê trên đất bazan, để có năng suất ổn định đạt từ 3 tấn cà phê nhân/ha, chỉ cần lượng phân bón từ 220 đến 250 kg đạm, 80 đến 100 lân và 200 đến 300 kali. Đối với các loại đất khác, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên chỉ cần sử dụng 200 đến 230 đạm, 100 đến 130 lân và 180 đến 200 kali thì mỗi ha cà phê kinh doanh cũng đạt từ 2,5 tấn cà phân trở lên. Cũng từ các nghiên cứu, Viện cũng khuyến cáo, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê cũng cần sử dụng thêm một số nguyên tố vi lượng, nhất là phân bón vi lượng kẽm (Zn) từ 30 đến 50 kg, 20 tấn phân chuồng ủ hoai mục/ha...để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cà phê cao, ổn định. Qua tính toán sơ bộ, chỉ cần 30% diện tích cà phê ở Tây Nguyên có giải pháp quản lý, thực hiện bón phân theo khuyến cáo, thì mỗi niên vụ, các nông hộ, các doanh nghiệp cũng tiết kiệm chi phí phân bón trên 351 tỷ đồng, tương đương 16,7 triệu USD.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên kỹ thuật làm bồn, đào rãnh ép tàn dư thực vật, xáo xới quanh gốc cà phê để tăng hệ số sử dụng phân bón.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có gần 552 nghìn ha cà phê, trong đó chỉ có gần 6.000 ha cà phê trồng mới, diện tích còn lại đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, mỗi năm đạt trên 1,2 triệu tấn cà phê nhân, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê lớn nhất.

Theo TTXVN