Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lũ lụt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đánh giá chuyên sâu cho các hoạt động đầu tư và chi tiêu công liên quan đến biến đổi khí hậu và đưa ra các kế hoạch hành động để thực hiện.
Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề quốc tế ngày càng được chú ý và Việt Nam đã tham gia vào một số sáng kiến theo quy định Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Phạm vi ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng mở rộng. Gần đây, nhiều chính sách quốc gia đã xem xét lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào công tác quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các mục tiêu liên ngành khác như giảm nghèo...
Đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 1,2 tỷ USD tài trợ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn đầu tư này có thể cao hơn nhiều, tuy nhiên, các cơ chế, chính sách và năng lực điều phối tổng thể chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã tạo ra "nút thắt" trong quá trình thực hiện.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc huy động nguồn tài chính từ vốn nội địa cho công tác biến đổi khí hậu vẫn đang hạn chế. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong triển khai cơ chế phát triển sạch và sự hưởng ứng của khu vực tư nhân đầu tư vào hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo cho thấy sẽ có khả năng tăng đáng kể dòng đầu tư này.
Đánh giá việc huy động nguồn lực cho biến đổi khí hậu, theo ông Thomas Beloe, đại diện UNDP, cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng quốc tế đã có nhưng Việt Nam cần tiếp cận tích cực hơn, đặc biệt là thúc đẩy hành động phát triển xanh/cácbon thấp. Chiến lược phát triển xanh Việt Nam đang xây dựng sẽ là bước đi rất tốt để xây dựng nên khung chính sách mạnh mẽ về vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Murray, đại diện WB cho rằng thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là huy động đủ nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cần phân loại rõ chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu để giúp phát triển bền vững.
Để tăng cường số lượng và chất lượng của chi tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, các đại biểu còn cho rằng Việt Nam cần thiết lập một cơ sở về đầu tư hiện tại, chi tiêu và hệ thống phân loại ngân sách; đánh giá cơ cấu tổ chức và quản trị để cải thiện cơ chế lập kế hoạch; đồng thời, đánh giá nhu cầu tài chính xanh cho giai đoạn 2013-2015.