Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khu Tưởng niệm các Vua Hùng: Nơi giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

(16:15:43 PM 22/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Mỗi năm, vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, dù ai có đi bất cứ nơi đâu đều hướng về Quốc Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ về các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

 Kiến trúc đường tre dọc hai bên đường đi vào Đền

 

Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở TPHCM là công trình Lịch sử - Văn hóa đầu tiên được xây dựng trong Khu Công viên – Lịch sử Văn hóa dân tộc thành phố HCM được khánh thành đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 năm Kỷ Sửu 2009.

 

Khu tưởng niệm các Vua Hùng có diện tích khoảng 6 ha với 7 hạng mục công trình, được xây dựng theo phong cách hiện đại, phóng khoáng, mạnh mẽ của người dân Nam bộ và cũng là nét đặc trưng của người dân thế kỷ 21 tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc. Trong đó công trình chính là Đền tưởng niệm các Vua Hùng với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc” vừa hiện đại vừa thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Quảng trường khu tưởng niệm các Vua Hùng là một khoảng sân trống hình vuông với diện tích 4.000 m2, nền sân có hình mặt trời với những tia sáng tỏa ra xung quanh, theo mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Nền quảng trường gợi nhớ về nhận thức vũ trụ của người xưa cho rằng “trời tròn, đất vuông”. Xung quanh quảng trường là các hàng cây cọ cao hơn 3m xòe tán tròn râm mát, một giống cây đặc sản từ vùng “rừng cọ đồi chè” của tỉnh Phú Thọ mang vào và đã thích nghi và tươi tốt với vùng đồi gò phía đông thành phố. Quảng trường còn toát lên vẻ trang nghiêm, hoành tráng bởi hai hàng cột đá xanh (cạnh mỗi cột đá 1m). Cột đá cao khoảng 6m, 18 cột đá này tượng trưng cho các đời Vua Hùng trong lịch sử cổ đại Việt Nam.

 

Từ quảng trường qua 5 bậc đá là đến Nghi môn (hay còn gọi là cổng vào đền). Nghi môn cao khoảng 8m, là công trình kiến trúc được tạo dựng bởi các khối đá hình chữ nhật tạo nên các cột vững chắc đỡ các mái và tạo khoảng không ra vào. Dưới mái chính giữa nghi môn gắn phiến đá hình chữ nhật, có hoa văn bao quanh, chính giữa khắc chìm dòng chữ “Đền tưởng niệm các Vua Hùng”. Bên trái và phải nghi môn có 2 tượng võ sĩ, một người cầm giáo dài, một người mang rìu chiến trong tư thế oai phong canh giữ nghi môn.

 

Tại gian thờ chính giữa Đền tưởng niệm các Vua Hùng chia làm 3 bậc: Bậc một là mặt dựng của vách trung tâm, trên bậc này gắn phù điêu đá granit trắng. Phù điêu trạm khắc chìm hình nhà sàn và hình chiến thuyền theo hoa văn thời Đông Sơn. Nhà sàn và thuyền là hai không gian sống chính của người Việt cổ trên cơ sở của nền văn minh lúa nước. Bậc hai là nơi đặt ngai thờ của Âu Cơ và Lạc Long Quân, những vị được coi như là thủy tổ của người Việt nằm ở vị trí trang trọng nhất trong gian thờ. Bậc 3 là nơi đặt ngai thờ và bài vị Quốc Tổ Hùng vương. Hai bên ngai thờ là hai bình gốm đựng đất và nước từ Đất Tổ, ngoài ra còn có 2 ngọn minh đăng, đây là 2 cây đèn dầu bằng đồng 18 ngọn xếp theo hình tháp có đáy là hình tròn.

 

Gian thờ bên trái thờ Lạc Hầu, tiếp theo là 3 gian thờ nối tiếp nhau thờ các vị thần trong nền văn hóa Việt cổ như: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Lạc Dân. Gian thờ bên phải thờ Lạc tướng, tiếp theo gian thờ Lạc Tướng là 3 gian thờ nối tiếp nhau thờ các vị vua và anh hùng dân tộc thời Cổ đại như: An Dương Vương, Trưng Nữ vương, Lạc Dân.

 

Khu tưởng niệm Vua Hùng không chỉ là nơi tôn nghiêm để người dân đến tưởng niệm, vọng bái tổ tiên mà còn là nơi để giáo dục truyền thống cội nguồn cho thế hệ trẻ; là nơi cho các em học sinh, sinh viên, du khách xa gần đến tham quan quan. Em Nguyễn Ngọc Phương Bình – sinh viên năm I khoa Công nghệ Thông tin – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thành phố HCM nói: “Đây là đầu tiên em đi tham quan ở khu này, đầu tiên là muốn tìm hiểu lịch sử của cha ông mình tiếp theo là tham quan cảnh đẹp mà em chưa từng đi. Cảm giác của em là thấy nơi đây rất uy nghiêm thêm phần hùng tráng đúng với tinh thần dân tộc Việt Nam. Là một sinh viên em cố gắng học cho thật giỏi ngành công nghệ thông tin của mình, để sau này góp sức cho sự phát triển của nước nhà”.

 

Đến với Khu ưởng niệm các Vua Hùng, ngoài sự uy nghiêm, hùng tráng chúng ta còn cảm nhận được sự thân thương, gần gũi bởi không gian và cảnh vật xung quanh khu đền. Dọc hai bên đường lên Đền là hàng tre xanh ngát, được trồng theo đồ án “Đường tre” của Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, có chiều dài 360m, được xây dựng đào sâu theo triền dốc tự nhiên, mặt đường tre được lót bằng đá. “Đường tre” dẫn chúng ta từ hôm nay qua từng chặng đường lịch sử 4.000 năm của dân tộc.

 

Trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt Nam, đã không biết bao nhiêu sự kiện về văn hóa xã hội, đấu tranh chống ngoại xâm, đấu tranh với thiên tai, với cuộc sống hàng ngày… Cây tre luôn là chất kết dính, là người đồng hành cùng lịch sử, bắt đầu từ truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, đén tre làm chông, làm thành làm lũy, tre làm nhà, làm cửa… Sân vọng hình vuông (lầu thượng) cao hơn đồi 11m, góc trái và phải của sân vọng là 54 cột đá tượng trưng 54 dân tộc sừng sững giữa trời. Và sau khi thực hiện nghi lễ, đây là nơi du khách hành hương lên thắp nhang và tâm nguyện hướng về đất tổ ở phương bắc, nơi cội nguồn của dân tộc.

 

Công trình Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở TP.HCM là điểm tựa giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc cho nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ, theo chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, đồng thời giới thiệu Việt Nam với nước ngoài, tăng thêm tính phong phú đa dạng của TP.HCM, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Khu tưởng niệm các Vua Hùng là công trình thể hiện tấm lòng và ước vọng của những người con phương Nam thời đại HCM luôn vọng về quốc tổ. Đây còn là biểu tượng cao quý cho nghĩa tình đồng bào cùng chung một bọc sinh ra, nghĩa tình anh em một nhà mà truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ còn lưu lại ngàn đời.

Chị Lục Y Bình – một khách tham quan đến từ tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Thêm một ấn tượng lớn khi đến Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở TP.HCM  là phía trong Khu tưởng niệm có 33 bia đá do Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tặng cho Khu tưởng niệm tượng trưng cho 33 hòn đảo ở Trường sa khẳng định chủ quyền đất nước, tuy rằng tôi chưa một lần đi Trường Sa nhưng thông qua các bia đá này, tôi như được biết thêm về các hòn đảo ngoài đó như: Song Tử Tây, Đảo Sinh Tồn, Núi Le A, Đá Lát, Tốc Tan B, Cô Lin, An Bang, Đá Thị…”.

VŨ ĐÌNH