Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Loạn giấy phép khai thác khoáng sản

(00:22:51 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Thật là kỳ lạ, chỉ trong ba năm qua, ủy ban nhân dân các tỉnh thành đã cấp gần 3.500 giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp khai khoáng – một nhà khoa học phải thốt lên trong hội thảo khoa học “Tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam” ngày 14/5 ở Hà Nội.

>> Tiềm năng về sử dụng khoáng sản ở Việt Nam

 

Ba năm cấp gần 3.500 giấy phép khai thác khoáng sản

 

Theo điều tra của Viện Tư vấn Phát triển (CODE) kết quả thực hiện cấp phép hoạt động khoáng sản từ sau khi có Luật Khoáng sản cho thấy có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng giấy phép được cấp, đặc biệt ở các địa phương. Trong vòng 12 năm, từ năm 1996 đến 2008, Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cấp 926 giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, chỉ trong ba năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp 3.495 giấy phép khai thác (gấp tám lần số lượng trung ương cấp trong 12 năm)

 

“Chỉ riêng xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, có tới 16 doanh nghiệp khai thác khoáng sản” - ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) nêu ra ví dụ.

 

Theo ông Lê Đình Đạo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường Yên Bái, hiện tỉnh Yên Bái có 107 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản với 160 giấy phép, trong đó ủy ban nhân dân tỉnh cấp 148 giấy phép, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên&Môi trường cấp 20 giấy phép.


Việc quy định có tới ba cơ quan có thẩm quyền quản lý khoáng sản, trong đó có một cơ quan quản lý tài nguyên và cấp phép (Bộ Tài nguyên&Môi trường), hai cơ quan lập quy hoạch và quản lý công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (Bộ Công thương và Bộ Xây dựng) dẫn đến tình trạng chồng chéo, khó xác định trách nhiệm trong quản lý hoạt động khoáng sản sau khi cấp phép.

 

Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản chưa đúng thẩm quyền, cấp giấy phép vào các khu vực đang điều tra đánh giá về địa chất – khoáng sản, khu  vực ngoài quy hoạch diễn ra không chỉ ở Yên Bái mà phổ biến ở nhiều địa phương khác.

 

Việt Nam có phong phú về tài nguyên?

 

Bấy lâu nay người ta vẫn nghĩ rằng Việt Nam rừng vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú nhưng với tình trạng khai thác tràn lan, bừa bãi như hiện nay liệu con cháu mình sau này có còn gì để mà khai thác nữa không - các nhà khoa học lo lắng.

 

“Việc khai thác, sử dụng khoáng sản hôm nay cần tính tới phát triển trong tương lai vì hầu hết tài nguyên khoáng sản có hạn, không tái tạo” - TS Lê Ái Thụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, phát biểu.

 

Hơn nữa tài nguyên khoáng sản của nước ta tuy phong phú về chủng loại nhưng trữ lượng của từng loại không nhiều trong khi nước ta đang trong thời kỳ phát triển theo chiều rộng nên có nhu cầu nguyên, nhiên liệu khoáng ngày càng tăng cao.

 

Theo đánh giá của Viện Tư vấn Phát triển, hiện nay sản phẩm khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam phần lớn mới dừng lại ở sản phẩm thô, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên của khoáng sản.

 

“Ta không nên bán sản phẩm thô và sản phẩm sơ chế, mà bắt buộc phải đi sâu vào sơ chế”, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Việc trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt, chia sẻ quan điểm và cho rằng khoa học kỹ thuật Việt Nam có thể sơ chế các sản phẩm từ khoáng sản.

 

Nếu lấy “cái thế giới đang cần” và cái mà “nước ta đang cần” làm chuẩn, rồi lại so  với những đòi hỏi phát triển của nước ta, có lẽ nên đánh giá Việt Nam không giàu tài nguyên hoặc nên nhìn nhận tài nguyên phong phú như nước ta đang thực có trong tay không phải là lợi thế giúp ta thoát hỏi nghèo nàn lạc hậu.

 

Vậy nên đoạn tuyệt với ảo tưởng về nước ta rừng vàng biển bạc, nên  chú ý nhiều hơn nữa vào thực tế rất sát phạt hiện nay là nước ta đất hẹp người đông của khó – ông Nguyễn Trung nói.

 

Chạy theo lợi nhuận, phá hoại môi trường

 

Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định, cho rằng, doanh nghiệp, vì chạy theo lợi nhuận, đã gây ảnh hưởng đến môi trường, không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Theo Viện Tư vấn Phát triển, những loại chất thải gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, phá vỡ chu kỳ thủy văn, làm mất đa dạng sinh học, tàn phá rừng làm sa mạc hóa và nghèo hóa nhiều vùng, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa.

 

Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường Quảng Ninh, dẫn chứng, ở Quảng Ninh chẳng hạn, khi mưa, nước cuối trôi than từ những bãi than xuống các khu dân cư sống dưới các bãi than lân dận dẫn đến ô nhiễm sông, suối.

 

Trên thực tế, hầu hết các dự án khai thác chế biến khoáng sản đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên việc lập báo cáo tác động môi trường ở một số dự án khoáng sản chỉ mang tính hình thức, hợp lý hóa hồ sơ là chính để đối phó với pháp luật.

 

Một thực tế phổ biến là các dự án khai thác mỏ chậm hoặc không thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi mở rộng quy mô khai thác.

 

Trong khi đó, việc ký quỹ phục hồi môi trường nhiều nơi chưa thực hiện. Nhiều vùng đã kết thúc khai thác nhưng chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

 

Ở một số điểm điều tra, cơ quan quản lý cho rằng địa phương gặp rất nhiều khó khăn để quản lý giám sát việc sử dụng quỹ để phục hồi môi trường sau khai thác của các doanh nghiệp.

 

Ngành khai thác khoáng sản để lại hậu quả về môi trường lớn nhất trong khi nhiều doanh nghiệp đánh giá tác động môi trường chỉ là để đối phó với pháp luật.

 

Ông Jasson Morris-Jung từ Trường Đại học California Berkerley (Hoa Kỳ) nói thường thì những quốc gia có tài nguyên phong phú lại phát triển chậm. Một số nước như Iran, Iraq, Saudi Arabia, v.v…, xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhưng tăng trưởng GDP lại rất thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Trong khi đó, những nước ít tài nguyên như Hồng Kông, Singapore, v.v…, tăng trưởng kinh tế lại tăng mạnh.

Phạm Mạnh