Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đề án kiểm soát túi ni lông khó phân hủy chính thức có hiệu lực

(16:49:05 PM 21/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Tiếp nối mục tiêu “Giảm lượng rác thải từ bao ni lông”, sau khi ban hành áp thuế môi trường với bao ni lông vào ngày 1-1-2012, ngày 11/04/2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.


Phát túi thân thiện với môi trường miễn phí cho người dân

 

Mục đích của đề án

 

Đề án này chủ trương ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy có chiều dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet nhằm giảm thiểu việc phát sinh chất thải túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, tạo điều kiên thuận lợi cho việc thu gom, tái chế; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung phí xử lý chất thải đối với túi ni lông khó phân hủy để tăng cường trách nhiệm của người sử dụng; điều chỉnh theo hướng tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường đối với sản xuất, nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta trong từng giai đoạn. 


Bên cạnh đó, đề án cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi ni lông khó phân hủy và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình; đặc biệt đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường vào chương trình giảng dạy ở các cấp học theo nội dung, hình thức phù hợp…

 

Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt…. 

 

Hành động vì môi trường

 

Theo TS Nguyễn Trung Việt - Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, túi ni lông làm bằng nhựa PVC khi đốt cháy sẽ tạo ra chất dioxin gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh cho trẻ nhỏ... Đặc biệt, dùng túi ni lông màu chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, ca-đi-min gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Nếu cho túi ni lông xuống cống sẽ gây tắc nghẽn các hệ thống thoát nước, tạo điều kiện cho muỗi và bệnh dịch phát sinh. Nếu lẫn vào trong đất, túi ni lông sẽ cản trở sự phát triển của cỏ, dẫn đến hiện tượng xói mòn tại các vùng đồi núi...

 

Chúng ta phải thay đổi thói quen của người Việt Nam bằng cách tuyên truyền, vận động người dân đừng sử dụng quá nhiều túi ni lông mà nên đem theo giỏ xách mỗi khi đi mua hàng.

 

Nhà nước cần khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra các vật liệu mới thay thế bao ni lông,  hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu mới này cung cấp đủ và không tăng giá các sản phẩm thay thế đem đến cảm giác an tâm cho người sử dụng.

Các nước trên thế giới áp dụng biện pháp với bao ni lông như thế nào?

 

 Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm đối với túi ni lông. Điển hình như Trung Quốc đã cấm sử dụng túi ni lông đựng hàng hóa trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-6-2008. Tại Canada, một số vùng cấm dùng túi ni lông và yêu cầu thay thế bằng túi vải hoặc túi giấy, nếu vi phạm sẽ bị phạt 1.000 đô la Canada. Bangladesh cũng áp dụng lệnh cấm từ tháng 3-2002, giảm được tới 90% lượng bao ni lông phát tán ra môi trường.

 

Với đề án này việc cấm sản xuất các bao ni lông khó phân hủy mang lại cảm giác an toàn cho môi trường, nâng cao được ý thức của người dân trong giữ gìn và bảo vệ môi trường. Hy vọng vào một ngày không xa, người tiêu dùng Việt Nam sẽ hướng tới các vật liệu khác thân thiện với môi trường hơn thay thế hoàn toàn bao ni lông.

NGUYỄN TRUNG (tổng hợp)