Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đổ xô đào đãi vàng dọc sông Pôkô

(00:22:46 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Gần hai tuần qua, mỗi ngày có hàng trăm lượt người ở xã Kroong, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đổ xô đi đào đãi vàng dọc sông Pôkô, đoạn chảy qua xã Kroong.

dao vang

 

Nóng với việc đào đãi vàng dọc sông Pôkô


Đây là khu vực dưới hạ lưu công trình thủy điện Plei Krông và thượng lưu công trình thủy điện Yaly. Dòng Pôkô nơi đây trở thành “công trường” khi nhà máy thủy điện chưa xả nước.



Cứ khoảng hơn 4 giờ sáng, khi người dân ở thành phố Kon Tum vẫn đang ngon giấc thì những người dân ở xã Kroong lại kéo nhau xuống dòng Pôkô huyền thoại để trầm mình dưới nước, đãi vàng. Việc đãi vàng phụ thuộc rất nhiều vào “lịch” xả nước của nhà máy thủy điện Plei Krông.


“Mỗi khi nước về, chúng tôi lại chạy lên bờ, sau đó nước rút lại tranh thủ xuống làm thêm. Chúng tôi phải thức dậy sớm để làm vì không biết nhà máy xả nước lúc nào. Nhưng thường tôi thấy khoảng 9-10 giờ là xả nước, vì vậy, mình phải làm sớm mới mong đãi được nhiều. Việc đãi vàng chỉ là tranh thủ làm thêm khi nước cạn thôi” - anh A Veo, thôn 4 xã Kroong cho biết.


Theo tìm hiểu được biết, việc đãi vàng sa khoáng chỉ mới xuất hiện gần đây khi vụ sắn vừa gieo trồng trong tháng 4 đã bị nắng hạn làm khô héo và chết gần hết. Một ngày làm việc cật lực, thu nhập cũng chỉ khoảng 100 nghìn đồng/người. Mặc dù vất vả nhưng ở “công trường” có cả những đứa trẻ khoảng 10-14 tuổi làm phụ giúp cha, mẹ.


Anh A Veo cho biết, hiểm nguy luôn rình rập mọi người nơi đây, sây sát chân, tay, bị đá đè lên chân là chuyện hàng ngày. Thỉnh thoảng khi nước xả về, nếu ở giữa lòng sông mà không nhanh chân chạy hoặc bơi vào bờ thì rất nguy hiểm. Đã một vài lần, có người chạy không kịp lên bờ, bị nước cuốn nhưng rất may lúc đó nước chưa chảy xiết và đoạn đó bán kính hẹp nên có thể tự cứu mình.


Những ngày qua, một số người còn có sáng kiến để tận thu tài nguyên như dùng thùng phi, cọc tre, cọc bời lời tạo bè để tiện khai thác khi mùa nước nổi. Các thùng phi được liên kết với nhau bằng cọc tre và tạo thành một phao nổi trên dòng nước. Mọi người có thể đi lại trên đó để đào đãi vàng ở những vùng nước sâu.



Việc khai thác tài nguyên trái phép diễn ra công khai mặc dù công trường trên nằm ngay trên trục đường chính đi qua xã, chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đầy năm phút đi xe máy.

 

Ông Đặng Công Nữa, Chủ tịch UBND xã Kroong, thừa nhận việc người dân đào đãi vàng ở dòng Pôkô nhưng cho biết dân ở xã Kroong rất ít, chủ yếu là ở xã Sa Bình (huyện Sa Thầy).


Xã đã tuyên truyền, vận động dân không nên đào đãi vàng vì rất nguy hiểm do dòng nước sông Pôkô chảy rất xiết, lại ở dưới hạ lưu nhà máy thuỷ điện, khi xả nước bất ngờ thì không thể tránh kịp. Nghiêm cấm việc đào đãi vàng cần có sự phối hợp giữa chính quyền xã Sa Huỳnh (huyện Sa Thầy) và xã Kroong (thành phố Kon Tum) vì dòng Pôkô ở giữa hai địa phương.


Trong khi chính quyền nơi đây đang lúng túng trong việc xử lý thì hàng ngày người dân ở dọc dòng Pôkô vẫn trầm mình dưới nước, đối mặt với hiểm nguy.

Hoafng Cao Nguyên