Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Xét nghiệm ADN nhằm phát hiện thịt ngựa giả bò tại một phòng xét nghiệm ở Đức hồi tháng Hai. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kết quả trên được công bố sau tám tuần lễ kiểm tra DNA đối với hơn 4.000 sản phẩm thịt bò, trong số đó có 193 sản phẩm có chứa thịt ngựa.
Ủy ban cũng phát hiện ra rằng 0,5% trong số 3.000 xác ngựa được kiểm tra có chứa phenylbutazonen- còn được gọi là bute, một loại thuốc độc hại đã bị cấm đưa vào dây chuyền sản xuất thực phẩm dành cho con người.
Trước khi kết quả trên được công bố, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã ra tuyên bố cho rằng dư lượng bute thấp là không đáng lo ngại đối với người tiêu dùng. Cơ quan này còn cho rằng không có bằng chứng cho thấy ăn thịt ngựa có hại cho sức khỏe.
Cao ủy phụ trách vấn đề tiêu dùng và sức khỏe Tonio Borg cho rằng những kết quả trên cho thấy “đây là vấn đề giả mạo trong thực phẩm chứ không phải là vấn đề an toàn thực phẩm.”
Trang tin EurActiv cho biết, các cuộc kiểm tra - do EC cung cấp 75% chi phí - đã được tiến hành tại các cửa hàng bán lẻ đối với các sản phẩm được dán nhãn thịt bò và đối với thịt ngựa được bán tại chợ để kiểm tra dư lượng bute.
Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò tại châu Âu đã làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp thực phẩm cũng như doanh số bán thịt chế biến sẵn.
Ủy ban cho biết họ sẽ đưa ra những đề xuất nhằm siết chặt sự kiểm soát đối với dây chuyền sản xuất thực phẩm nhằm chống lại tình trạng giả mạo.
Các cuộc kiểm tra cho thấy Pháp là quốc gia có nhiều trường hợp dùng thịt ngựa bất hợp pháp nhất trong số các nước EU, với 47 vụ trong số 353 vụ kiểm tra tại nước này cho kết quả dương tính với thịt ngựa - đạt tỷ lệ 13%.
Trong khi đó, các cuộc kiểm tra tại Anh cho thấy tỷ lệ dương tính với dư lượng bute trong các sản phẩm thực phẩm được kiểm tra tại nước này là cao nhất, với 14 trường hợp dương tính với bute.
Chỉ có hai nước khác là Iceland và Cộng hòa Séc cũng phát hiện dư lượng bute trong thịt ngựa, với mỗi nước có một trường hợp dương tính với bute.
Một nguồn tin cấp cao của EU giấu tên giải thích việc phát hiện dư lượng bute trong thịt ngựa trên thực tế hiện tập trung nhiều nhất ở Anh chủ yếu do nước này đã thực hiện việc kiểm tra ngựa trước khi giết mổ kể từ tháng Hai, do vậy số lượng ngựa họ kiểm tra khá lớn - hơn 800 con.
Có nhiều ý kiến hoan nghênh việc EC phản ứng nhanh và tích cực trước vụ bê bối thịt ngựa giả bò tại châu Âu và thừa nhận rằng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát dây chuyền sản xuất thực phẩm, cũng như áp dụng các biện pháp xử phạt để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
Ngày 19/4, các chuyên gia của EC và các nước sẽ họp để bàn biện pháp đối phó dựa trên kết quả cuộc điều tra về thịt ngựa.