Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cần kiểm soát mạng lưới Internet để bảo vệ động vật hoang dã. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm số lượng động vật quý hiếm là do công tác kiểm soát phương thức quảng cáo, rao bán, kinh doanh các loài quý hiếm này còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trên còn thiếu tính răn đe.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi họp liên ngành về tăng cường công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã trực tuyến, do cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức sáng 17/4, tại Hà Nội.
Thỏa sức mua gian, bán lận
Theo Tiến sĩ Scott Poberton, Giám đốc WCS, ngày nay có khoảng trên 1/4 dân số thế giới sử dụng Internet. Thông qua hình thức buôn bán trực tuyến trên Internet, tình trạng buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã tăng rõ rệt trong những năm qua.
Tại Việt Nam, đã có tới 35 triệu người sử dụng Internet để truy cập vào các trang mua bán động vật hoang dã, quý hiếm. Dự kiến, số người truy cập mạng để rao bán, quảng cáo các sản phẩm từ động vật hoang dã sẽ tăng lên 58 triệu người vào năm 2016.
“Thông qua các trang mạng Internet, các loài, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã được rao bán, quảng cáo rất phổ biến. Với hình thức quảng cáo bắt mắt, lượng người truy cập vào các trang web này cũng theo đó tăng lên theo từng năm,” Tiến sĩ Scott Poberton lo ngại.
Cũng theo Tiến sĩ Scott Poberton, mục đích của việc rao bán các loài, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã này đều hướng tới nhu cầu lấy thịt, làm thuốc, đồ trang sức, trang trí, đặc biệt là làm thú cảnh.
Khảo sát của WCS trong 2 tháng (7,8) năm 2012 cũng cho thấy, việc buôn bán động vật hoang dã trên mạng là khá phổ biến, nhằm buôn bán các loài bản bản địa như khỉ, rùa, rắn và các loài có nguồn gốc vật nuôi như cự đà, sóc để làm thú nuôi, làm thuốc.
“Trong số 108 loài động vật hoang dã xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, có tới 24% loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ, 24% được công ước CITES bảo vệ, 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như voi, rùa núi vàng, khướu bạc má, cá sấu…,” báo cáo của WCS chỉ rõ.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết, tình trạng sử dụng Internet để quảng cáo, rao bán động vật hoang dã đã diễn ra phổ biến trong 10 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế.
“Việc bùng nổ nạn buôn bán các loài động vật hoang dã trên Internet đã thay đổi phương thức mua, buôn truyền thống. Bên cạnh đó, việc buôn bán động vật nhờ công nghệ này sẽ là cơ hội để các đối tượng 'thỏa sức' mua gian, bán lận các loài quý hiếm trong thiên nhiên,” ông Tùng lo lắng.
"Bó tay" vì... chế tài
Theo ông Lê Đức Anh, Phó phòng phát triển dịch vụ trực tuyến, Cục Thương mại điện tử-Bộ Công thương, tình trạng quảng cáo, rao bán động vật hoang dã qua Internet những năm gần đây là đáng lo ngại. Chính phương thức buôn bán này đã khiến nhiều loài này bị suy giảm nghiêm trọng.
Tuy vậy, ông Anh cũng khẳng định, rất khó để phát hiện các hành vi vi phạm. “Hầu hết các đối tượng đưa thông tin và hình ảnh động vật hoang dã lên Internet thường chỉ có tính minh họa, được quảng cáo trên các trang mạng xã hội như rao vặt, diễn đàn. Bên cạnh đó, vì không có tang vật nên rất khó phát hiện, xử lý,” ông Anh lý giải.
Cũng theo ông Anh, hiện Việt Nam vẫn chưa có những đánh giá hay hành động cụ thể nào để kiểm soát tình trạng quảng cáo, rao mua/bán các loài hoang dã, đặc biệt là các loài thuộc Phụ lục I trên Internet.
“Để đảm bảo các mẫu vật thuộc CITES không được rao bán trái với quy định trên mạng Internet, việc quan trọng trước mắt là phải kiểm soát được nguồn gốc thông tin đồng thời cơ quan chức năng phải tăng mức độ xử phạt,” ông Anh khuyến nghị.
Đồng tình quan điểm này, ông Hoàng Xuân Trinh, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Kiểm lâm cho rằng cần nâng cao mức độ xử phạt đồng thời các cơ quan liên ngành cần theo sát, theo dõi và xử lý triệt để các đối tượng vi phạm.
Theo lý giải của ông Trinh, thì nguyên nhân dẫn tới việc buôn bán động vật hoang dã thông qua mạng Internet ngày càng gia tăng là do việc theo dõi, quản lý còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, chế tài xử lý trường hợp vi phạm còn nhẹ, thiếu tính răn đe.
“Trước mối vấn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép này, chúng ta cần phải theo dõi, xử phạt các trường hợp vi phạm khi họ chưa gây ra hậu quả, chứ không nên chờ đến lúc gây ra hậu quả mới ngồi bàn. Mặt khác, cần 'mạnh tay' xử lý các trường hợp khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm,” ông Trinh khuyến nghị.