Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa IE
Trong vài thập kỷ qua, cảnh quan rừng tự nhiên nguyên sinh tại miền Trung Việt Nam đã bị suy thoái và phân mảng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do hậu quả chiến tranh, khai thác gỗ bất hợp pháp, các tập quán canh tác lâm nghiệp không bền vững và sự mở rộng của các khu rừng trồng thuần loài các cây nhập ngoại có chu kỳ kinh doanh ngắn như cây keo. Việc độc canh các cây này lại tạo ra sự phân mảnh hơn là tái kết nối cảnh quan rừng. Ngoài ra, các khu rừng tự nhiên suy thoái có giá trị bảo tồn cao đang liên tục được chuyển đổi thành các đồn điền.
Khu vực Trung Trường Sơn được coi là một trong những nơi có độ đa dạng sinh học cao trong khu vực và trên thế giới với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu như sao la, voọc, mang lớn Trường Sơn, v.v. Nếu sự việc vẫn tiếp diễn như hiện nay, tính nguyên vẹn của hệ sinh thái sẽ không được phục hồi. Đặc biệt, sinh cảnh sống không liền mạch sẽ khiến cho các loài bị hạn chế giao lưu, đẩy nhiều loài tới nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
Trước tình trạng đó, dự án đã được thiết kế nhằm chuyển hướng lại xu thế này. WWF tham vọng xây dựng một sinh cảnh nối liền các khu rừng từ Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, ba tỉnh quan trọng nhất trong dãy Trung Trường Sơn, thông qua hợp tác với các cơ quan chức năng để hiện thực hóa tham vọng này trong các kế hoạch phát triển rừng của tỉnh.
Kế hoạch này sẽ bổ xung cho các chương trình phục hồi rừng khác của chính phủ, như chương trình 661 – trồng 5 triệu héc-ta rừng. Tuy nhiên, khác với các chương trình và dự án phục hồi rừng đã từng được thực hiện tại Việt Nam, đa số nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, dự án tập trung vào kết nối các mảnh rừng phân lẻ trong một khu vực có độ đa dạng sinh học cao. Ngoài ra, cây trồng sẽ là những cây bản địa tự nhiên, đã từng tồn tại trước khi rừng bị chặt phá, nhằm tái tạo lại sinh cảnh sống gần với trước kia nhất, tăng cơ hội sinh tồn cho các loài.
Để xây dựng kế hoạch phục hồi rừng cho các tỉnh, trong 2 năm qua, WWF đã cùng Chi cục Lâm nghiệp và Sở NN&PTNT của hai tỉnh xác định các vùng ưu tiên có giá trị cao để kết nối cảnh quan rừng tự nhiên. Đây thường là các vùng trống, bị phân mảnh hoặc những khu vực rừng bị chuyển đổi sang các mục đích khác nhưng nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối các mảng rừng tự nhiên.
“Đến năm 2020, theo như kế hoạch, sẽ có khoảng 300.000 héc-ta rừng được trồng mới hoặc trồng bổ sung, nâng tổng diện tích rừng của khu vực lên từ 7.200km2 thành 10.000 km2. Điều này cũng có nghĩa các loài như Sao la, mang lớn Trường Sơn, voọc sẽ được cho thêm một cơ hội sống sót khi sinh cảnh của chúng được mở rộng và nối liền.” Tiến sỹ Lê Thủy Anh, Quản lý sinh cảnh Trung Trường Sơn của WWF-Việt Nam cho biết.
Để đảm bảo sự bền vững của kế hoạch sau khi dự án kết thúc, người dân địa phương đã được tham gia trong quá trình lập kế hoạch, đồng thời họ cũng sẽ là lực lượng chính thực hiện các hoạt động. Theo kế hoạch, hàng nghìn hộ dân sẽ được giao diện tích rừng để quản lý, được đào tạo về kỹ năng chăm sóc và quản lý cây trồng, nhận hỗ trợ tài chính và được phép khai thác lâm sản ngoài gỗ bền vững như mây tre, v.v.
“Việc cân bằng giữa lợi ích bảo tồn và sinh kế của người dân trong khu vực là một chiến lược khôn ngoan. Nó sẽ tạo ra một mô hình bền vững và thiết thực. Mô hình này vừa giáo dục được cho người dân hiểu tầm quan trọng của bảo tồn lại vừa đảm bảo sinh kế cho họ. Nhìn thấy được những lợi ích mà công việc bảo vệ rừng đem lại cho cuộc sống của mình, người dân mới có động lực và thiết tha với bảo tồn.” Ông Phan Sỹ Hùng, tỉnh Quảng Nam chia sẻ. “Với sự quyết tâm của tỉnh và sự hỗ trợ của WWF, tôi tin rằng những cánh rừng của Trung Trường Sơn sẽ được tái sinh.”
Cuối tháng 3 vừa qua, một hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tiến trình thực hiện kế hoạch phục hồi rừng của hai tỉnh đã được WWF tổ chức, với sự tham gia của các Sở ban ngành liên quan của 3 tỉnh, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia. WWF hy vọng các mô hình phục hồi rừng sẽ được tiếp nhận và mở rộng ra tỉnh Thừa Thiên Huế, là một khu vực cũng vô cùng quan trọng trong hành lang đa dạng sinh học của Trung Trường Sơn.
Dự án được thực hiện từ 2010 tới 2013, do IKEA tài trợ nhằm giảm thiểu rủi ro cho tập đoàn trong việc mua gỗ không rõ nguồn gốc từ những vùng có rủi ro cao và nhằm duy trì các cánh rừng tự nhiên tại miền Trung Việt Nam.