Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Loài cá hải tặc có khả năng "tàng hình"

(14:48:11 PM 17/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một loài cá "tàng hình" thú vị nhờ khả năng giấu mùi độc đáo. Cơ quan khứu giác của hầu như tất cả các nạn nhân của loài cá này đều không thể phát hiện ra mùi của kẻ săn mồi. Cho đến nay, đây là ví dụ duy nhất về sự tàng hình hóa chất phổ quát trong thế giới động vật.

Loài cá pecca hải tặc sinh trưởng tự nhiên ở vùng biển Bắc Mỹ.

 

Để sinh tồn trong tự nhiên, nhiều động vật, kể cả nạn nhân và kẻ săn mồi, đều tìm mọi cách che giấu mùi đặc trưng của chúng. Con người, những đối tượng sống dựa chủ yếu vào khả năng thị giác, có thể coi cách ngụy trang này là không đầy đủ.

 

Tuy nhiên, trong tự nhiên, khả năng phát hiện con mồi hoặc kẻ thù nhờ mùi cũng phổ biến và quan trọng như khả năng phát hiện bằng thị giác. Do đó, những loài không có hoặc không để bị phát hiện ra mùi đặc trưng thường là "vô hình" đối với thế giới xung quanh.

 

Lâu nay, giới khoa học cho rằng khả năng ngụy trang như trên có thể chỉ nhằm đánh lừa các cá thể cùng loài hoặc có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau trong chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một sinh vật vẫn có khả năng "tàng hình" nhờ giấu mùi trước những loài hoàn toàn không liên quan: loài, danh pháp khoa học là Aphredoderus sayanus.

 

Cá pecca hải tặc sinh trưởng tự nhiên ở các vùng biển Bắc Mỹ và được nhiều quản lý khu công viên thủy sinh ưa chuộng. Chúng là loài ăn tạp, sẵn sàng ngốn ngấu cả nòng nọc, côn trùng thủy sinh và các loài cá khác. Điều thú vị là, không có bất kỳ nạn nhân nào có thể ngửi thấy mùi của chúng.

 

Thông qua các thí nghiệm, nhà sinh vật học Christopher Binkley đến từ Đại học Arcadia Glenside (Mỹ) và đồng nghiệp William Resetarits thuộc Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ) nhận thấy, cá pecca hải tặc bằng cách nào đó đã có thể "vô hình" trước vô số nạn nhân tiềm tàng. Hiện nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ loài cá này đã có thể thay đổi cấu trúc các phân tử phát tín hiệu của chúng như thế nào để "giấu mùi" trước cơ quan khứu giác của những loài hoàn toàn khác. 

 

Cho đến nay, đây là ví dụ duy nhất từng được biết đến về sự tàng hình hóa chất phổ quát trong thế giới động vật. Dẫu vậy, các nhà khoa học nhận định, khả năng này có thể không hiếm và nhiều loại cá săn mồi khác, đặc biệt những đối tượng tìm kiếm thức ăn về đêm hoặc phải nằm rình mồi, cũng có thể che giấu mùi của mình trước một số động vật khác. 

Theo Vietnamnet