Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nên thay đổi suy nghĩ VN còn rừng vàng, biển bạc

(00:22:27 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngành Địa chất Việt Nam, TS. Nguyễn Linh Ngọc Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã trao đổi với VFEJ về một số thành tựu nổi bật của Viện và tiềm năng về địa chất và khoáng sản ở Việt Nam.

 vien KHDC

 Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

 

PV: Thưa TS, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có bề dày nhiều năm nghiên cứu khoa học về địa chất và khoáng sản của Việt Nam, xin TS cho biết một số thành tựu nổi bật của Viện trong những năm gần đây?

 

TS. Nguyễn Linh Ngọc: Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, thành tựu nổi bật nhất của Viện KH ĐCKS là đã đa dạng hóa các lĩnh vực nghiên cứu nhằm đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu rất đa dạng của xã hội đối với ngành địa chất. Cụ thể là nếu như trước đây đối tượng điều tra, nghiên cứu chủ yếu của Viện là khoáng sản thì nay đã mở rộng hơn nhiều, thí dụ như năng lượng địa nhiệt, thiên tai (trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, sụt lún v.v.), sử dụng bền vững đất và nước ở các vùng đá vôi v.v.

 

Đối với lĩnh vực khoáng sản truyền thống thì hướng điều tra, nghiên cứu của Viện tập trung vào những loại hình khoáng sản mới, các khoáng chất công nghiệp như vermiculite, syenit nephelin, serixit, diatomit, bentonit, zeolit v.v.; và áp dụng những kiến thức mới để đánh giá lại tiềm năng một số loại hình khoáng sản trước đây đã từng được coi là đã được điều tra, nghiên cứu kỹ, thí dụ như tiềm năng khoáng sản chì-kẽm ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, khi xác định lại loại hình nguồn gốc thì tiềm năng của loại hình khoáng sản chì-kẽm ở đây là rất lớn. Công tác nghiên cứu, đánh giá khoáng sản hiện nay ở Viện đã đi theo hướng mô hình hóa để định hướng cho công tác tìm kiếm đánh giá các loại hình khoáng sản ẩn sâu v.v.

 

Đặc biệt, Viện đã đi đầu trong việc mở rộng quan niệm về tài nguyên khoáng sản, thay vào đó bằng khái niệm tài nguyên địa chất rộng lớn hơn, từ đó mở ra một hướng điều tra, nghiên cứu và sử dụng tài nguyên mới – các di sản địa chất (thí dụ các hang động, hẻm vực, thác nước, hồ nước đẹp, các vị trí hóa thạch cổ sinh tiêu biểu, các loại đá hiếm gặp v.v.) - dưới hình thức thành lập các công viên địa chất và khuyến khích phát triển du lịch địa chất - một hướng khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất bền vững, thân thiện với môi trường, với cộng đồng địa phương và phù hợp với trào lưu của thế giới.

 

PV: Việt Nam được đánh giá là giàu về tài nguyên khoáng sản, là người đứng đầu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, TS đánh giá như thế nào về tiềm năng khoáng sản ở Việt Nam hiện nay?

 

TS. Nguyễn Linh Ngọc: Người Việt Nam chúng ta thường có câu “rừng vàng, biển bạc”, cho rằng Việt Nam rất giàu khoáng sản. Quan niệm đó đã có từ ngày xưa và có lẽ đã từng đúng, khi dân số Việt Nam còn ít. Tuy nhiên ngày nay, khi dân số Việt Nam đã lên tới con số khoảng 90 triệu người và trong tương lai không xa có khả năng đạt tới 120 triệu người thì quan niệm đó đã không còn đúng nữa. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, khi các quốc gia cạnh tranh gay gắt và đặt lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, và cụ thể ở đây là an ninh tài nguyên khoáng lên hàng đầu – tranh thủ khai thác tài nguyên của nước khác trong khi giữ hoặc giấu kín tài nguyên của mình – thì quan niệm kể trên không còn đúng nữa. Dưới góc độ là một dạng tài nguyên không tái tạo, một khi đã khai thác, sử dụng thì sẽ hết và không còn cơ hội để dành cho thế hệ tương lai nữa, chúng ta nên nhìn nhận một cách rất cẩn trọng tiềm năng khoáng sản của Việt Nam, để từ đó có một chiến lược khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, mang lại hiệu quả, lợi ích tối đa cho quốc gia. Thực tế các nước được xếp vào hàng ngũ các cường quốc trên thế giới, không có nước nào xuất phát từ khai thác và xuất khẩu khoáng sản của họ. Chúng ta cần chắt chiu, gìn giữ tài nguyên khoáng sản của đất nước mình thay vì ồ ạt khai thác, ồ ạt xuất khẩu thô như hiện nay. Chắc chắn trong tương lai không xa, thế hệ con cháu chúng ta sẽ biết cách khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả hơn chúng ta.

 

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Việt Nam nghèo tài nguyên khoáng sản. Ngược lại, khoáng sản Việt Nam khá phong phú về chủng loại và một số loại khoáng sản đã được điều tra đánh giá có tài nguyên dự báo khá lớn. Có thể kể đến một số loại khoáng sản chính như sắt (Hà Tĩnh, Lào Cai), đất hiếm (Lai Châu, Yên Bái), apatit (Lào Cai), than antraxit (Quảng Ninh), đá vôi làm xi măng hoặc nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất (nhiều tỉnh miền Bắc), đá ốp lát (đá vôi hoặc các loại đá granit, bazan, gneis ở miền Trung v.v.). Một số khoáng sản có tiềm năng trung bình như đồng (Lào Cai, Lai Châu), chì-kẽm (Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang), sa khoáng Titan ven biển Trung Bộ, thiếc (Nghệ An, Tuyên Quang) v.v.

 

Một số loại khoáng sản khác hiện đang được cho là có tiềm năng lớn như than nâu (đồng bằng Sông Hồng), than bùn (đồng bằng sông Cửu Long) bô xít và sắt laterit (Tây Nguyên) hoặc sa khoáng Titan trong cát đỏ ở Bình Thuận-Ninh Thuận. Tuy nhiên chúng ta nên có một thái độ thận trọng đối với những loại khoáng sản này vì hàng loạt vấn đề chưa được giải đáp thỏa đáng. Thí dụ than nâu ở đồng bằng Sông Hồng, liệu khi tìm kiếm, thăm dò xong thì có công nghệ khai thác thích hợp hay không và liệu có gây ra những hậu quả “lợi bất cập hại” về môi trường hay không? Hay bô xít và sắt laterit ở Tây Nguyên, liệu có nên coi đó là khoáng sản (không tái tạo) hay không khi cũng chính những đối tượng đó lại đang là nguồn tài nguyên đất vô cùng quý giá cho các loại cây công nghiệp, cho các hệ thống rừng phòng hộ, rừng sản xuất có thể khai thác được vĩnh viễn. Rồi vấn đề công nghệ xử lý chất thải trong khai thác, tuyển luyện đã thích hợp chưa, tác động đến môi trường như thế nào… Tương tự như vậy là than bùn ở đồng bằng sông Cửu Long hay sa khoáng Titan trong cát đỏ ở Ninh Thuận-Bình Thuận.

 

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều loại hình khoáng sản mới (đối với Việt Nam), đặc biệt là các khoáng chất công nghiệp từ trước đến nay ngành địa chất chưa có điều kiện để ý đến như zeolit, sét hấp phụ, đá vôi trắng, cát trắng ven biển v.v. Ngoài ra, tiềm năng khoáng sản ẩn sâu, tiềm năng khoáng sản dưới đáy biển hầu như chưa được đánh giá. Đây chính là những hy vọng lớn nhất của Việt Nam.

 

 

PV: Trong suốt 45 năm qua, Viện KH ĐCKS đã thực hiện nghiên cứu nhiều đề tài khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, xin TS cho biết về một số đề tài và hiệu quả của các đề tài trong thực tế?

 

TS. Nguyễn Linh Ngọc: Trong hơn 45 năm qua, Viện KH ĐCKS đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ, trong đó đáng chú ý có Chương trình KHCN 44 về tiềm năng khoáng sản thiếc, vàng, than v.v.; các đề tài về tiềm năng địa nhiệt ở các vùng miền trên cả nước, các đề tài về địa chất karst với những vấn đề về khoáng sản, tài nguyên đất, nước, hang động, các tai biến địa chất ở các vùng đá vôi v.v.; các đề tài điều tra, đánh giá, dự báo tai biến địa chất ở nhiều vùng miền trên cả nước; các đề tài về khả năng cung cấp nước sinh hoạt và nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất dải ven biển Việt Nam v.v. Gần đây, Viện đang thực hiện đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước mã số KC.08.20/06-10 về tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở một số khu vực miền Bắc Việt Nam v.v.

 

Hiện Viện đang xây dựng một số chương trình, dự án cấp chính phủ đánh giá tiềm năng Uran của Việt Nam, đánh giá hiện trạng và cảnh báo nguy cơ trượt lở trên phạm vi toàn quốc, hoặc chương trình phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam v.v.

 

Có thể nói rằng, kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản thường không thuộc dạng “mỳ ăn liền”, tức là thường không nhìn thấy kết quả tính đếm được ngay. Tuy nhiên nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do Viện thực hiện đến nay đã và đang mang lại những kết quả hết sức ý nghĩa. Chẳng hạn, Viện KH ĐCKS đã thực hiện báo cáo tổng hợp về tiềm năng khoáng sản Việt Nam cùng bộ bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1:1.000.000 kèm theo. Từ những năm 80 thế kỷ XX, Viện KH ĐCKS đã dự báo về tiềm năng khổng lồ của than nâu đồng bằng Sông Hồng, tiềm năng lớn than bùn ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc triển vọng sa khoáng Titan ven biển Nam Trung Bộ. Gần đây Viện đã đánh giá một cách có cơ sở khoa học thuyết phục về tiềm năng đáng kể của khoáng sản chì-kẽm của các tỉnh Việt Bắc, khoáng sản vermiculit các tỉnh Tây Bắc dọc đứt gãy Sông Hồng (Lào Cai, Yên Bái) và một số khu vực tỉnh Quảng Ngãi v.v.

 

Các đề tài điều tra, nghiên cứu địa chất karst đã phát hiện hàng trăm hang động có giá trị cung cấp nước hoặc có tiềm năng du lịch cũng như đánh giá được hiện trạng môi trường, nguy cơ tai biến địa chất ở các vùng đá vôi.

 

Đề tài về di sản địa chất và công viên địa chất miền Bắc Việt Nam đã khuyến cáo, lựa chọn được 15 khu vực có triển vọng xây dựng công viên địa chất quốc gia/quốc tế với hàng ngàn biểu hiện di sản địa chất có giá trị, trong đó khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn đã chính thức thành lập công viên địa chất và đang trình UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận là công viên địa chất toàn cầu v.v.

 

PV: Hiện nay quản lý của Nhà nước về khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, nhất là ở các địa phương. Theo TS cần có giải pháp như thế nào để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về khai thác khoáng sản?

 

TS. Nguyễn Linh Ngọc: Có thể đề nghị một số giải pháp chính như:

 

- Sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện một cách nghiêm túc Luật Khoáng sản, theo hướng thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

 

- Quy hoạch chi tiết hoạt động điều tra, thăm dò khoáng sản.

 

- Lồng ghép quy hoạch  khai thác khoáng sản trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của toàn quốc theo từng thời kỳ và từng vùng miền lãnh thổ.

 

- Quy hoạch sử dụng hiệu quả các dạng tài nguyên địa chất khác.

 

- Kinh tế hóa ngành địa chất-khoáng sản theo hướng đầu tư đầy đủ cho các hoạt động điều tra, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản và hoàn lại vốn từ quá trình đấu thầu khai thác và khai thác khoáng sản; phải coi các tài liệu, số liệu, kinh nghiệm chuyên gia… trong lĩnh vực địa chất-khoáng sản là hàng hóa; tính toán giá trị kinh tế tiềm năng khoáng sản chưa khai thác đầy đủ và khoa học để thực hiện công tác đấu thầu các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản thành công.

Xin cảm ơn TS!

Cẩm Thúy (Thực hiện)