Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Gốc trâm “độc nhất vô nhị” ở Lâm Đồng

(20:34:23 PM 16/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Hiện nay, ở Lâm Đồng đang có một gốc trâm đỏ cổ thụ được xem là “độc nhất vô nhị”. Gốc cây này đã từng tham gia triển lãm tại “Festival Hoa Đà Lạt 2012” và nhận được nhiều sự mến mộ của nhiều nghệ nhân khắp cả nước.

 


Gốc trâm đỏ của anh Nguyễn Phi Hùng

 

Chủ sở hữu gốc cây khô “độc nhất vô nhị” này là anh Nguyễn Phi Hùng (41 tuổi, ngụ tại thôn 13, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Gốc cây cổ thụ “hoá lũa” này dài hơn 4m, cao gần 2,5m, rộng khoảng 1,2m.

 

Anh Hùng cho biết: “Năm 2002, khi tôi đang thuê máy xúc đào ao trong vườn cà phê để lấy nước tưới và kết hợp thả cá thì vướng phải gốc cây này. Rất khó khăn để đưa được gốc cây này lên. Tôi vứt “chổng chơ” trong vườn cà phê hơn 8 năm trời. Đến đầu năm 2012, sau một thời gian để “lộ thiên”, tôi mới phát hiện ra vẻ độc đáo nên đưa về chưng chơi”.

 

Đây, quả thực là “cơ duyên” để anh Hùng có được gốc cây độc đáo này. Cũng trong năm 2012, anh Hùng đã bỏ tiền túi ra hơn 20 triệu đồng đưa gốc cây lạ này đi triển lãm tại Festival Hoa Đà Lạt và nhận được sự chú ý của nhiều nghệ nhân. Tại đây, gốc cây của anh Hùng được đánh giá là một “hiện tượng lạ” do thiên nhiên ban tặng.

 

Cũng tại Festival Hoa Đà Lạt 2012, mỗi nghệ nhân đã đóng góp rất nhiều ý kiến, nào là “Long chầu, hổ phục”, “Thiên long quần vũ”, “Long giáng”, “Long vân”… Nhưng vẫn chưa thể thống nhất để đặt được một cái tên cho gốc cây này. Rồi cuối cùng tất cả họ đều cho tôi một lời khuyên: “Gốc cây là tác phẩm mà tạo hóa ban tặng cho anh, nên tốt nhất anh hãy tìm một cái tên anh thích mà đặt cho nó”. Sau 1 năm, ngày nào tôi cũng ngắm nhìn, nhưng vẫn chưa thể tìm ra một cái tên xứng đáng cho gốc cây của mình” -  Anh Hùng tâm sự.

 

Sở dĩ như vậy, là do gốc cây của anh quá “độc” và chưa thấy bao giờ. Nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng có “dáng”, có “thế”. Ông Bùi Văn Thoa (thường gọi Bùi Thoa) - Tư vấn viên của Hội sinh vật cảnh TP Bảo Lộc, đánh giá: “Gốc cây trâm đỏ của anh Hùng là một gốc gỗ lũa “vô giá” và chỉ có “một không hai” tại Lâm Đồng, nếu không muốn nói là cả nước. Phải nhìn thật kỹ và chỉ người trong nghề mới thấy được giá trị của nó. Trên gốc cây quý giá này in bóng hình, nào là rồng, hổ, voi, mây, hang động… và nhiều “điểm nhấn” khác nữa mà “người ngoài cuộc” rất khó phát hiện.

 

Tôi đã từng ngắm nhìn gốc cây rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa thể đặt được một cái thuyết phục cho nó. Hiện, cái tên mà tôi tạm thời đặt cho gốc cây cái tên là “Long chầu, hổ phục”. Ngoài ra, sự độc đáo của gốc cây là ở tính tự nhiên của nó. Gốc cây được tạo ra từ thiên nhiên, chưa hề có một sự tác động nào của con người. Đây chính là “điểm nhấn” của gốc cây mà mỗi một ai khi chiêm ngưỡng cũng dễ dàng nhận ra”.

 

Theo như lời kể của anh Hùng, thì gốc cây này đã có nhiều người trả đến giá trên 700 triệu đồng, nhưng anh vẫn không bán. Chuyện “thật như đùa”, theo anh Hùng kể: Nhà anh bán hàng tạp hóa, nên người mua ve chai hay lui lại. Có một lần, một người mua ve chai vô tình nhìn thấy gốc cây của anh rồi vào xem. Sau một thời gian ngắm nhìn gốc cây, người này đã trả 20 triệu đồng để mua gốc cây của anh. Dù là nói “đùa” hay “thật” thì ắt hẳn người mua ve chai này cũng thấy được giá trị từ gốc cây mà anh Hùng đang sở hữu.

 

Theo KHÁNH PHÚC - ĐÌNH THI (Lâm Đồng Online)