Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chữa cấp bách hay là phá cấp bách?
- Với lý do lòng suối cổ Khe Thẻ Mỹ Sơn đang có nguy cơ bị xói mòn và tiến dần vào khu tháp, cộng thêm việc lũ tiểu mãn sắp đến sẽ có thể ảnh hưởng tới di tích đặc biệt là tháp B3 khi hiện tại đã nghiêng 15 độ, Ban quản lý di tích Mỹ Sơn đã cho xây dựng kè chắn trên suối Khe Thẻ. Xét trên khía cạnh chuyên môn trong việc bảo tồn di tích, ông đánh việc làm này thế nào?
Cần có vài điều cần phải hiểu lại cho đúng đó là tháp B3 không phải bây giờ mới nghiêng. Trước đây Viện Bảo tồn di tích đã làm dự án chống nghiêng cho tháp B3. Thực chất tháp B3 bắt đầu nghiêng từ đầu thế kỷ trước và đã được nêu rõ trong các tài liệu của những nhà khoa học nước ngoài khi đến nghiên cứu tại Mỹ Sơn. Thêm nữa, nếu nói tháp B3 nghiêng 15 độ là không chính xác. Tháp B3 chỉ có thể nghiêng vài độ, còn tới 15 độ thì không thể đứng vững được như hiện tại.
Du khách phải ngang qua công trình bê tông hóa ngay trước các đền tháp.
- Như vậy lí do sợ tháp nghiêng là không đúng với sự thật?
Về việc dòng suối đang bị xói mòn và ngày càng tiến tới gần tháp của khu di tích là có thật. Tuy nhiên việc xói mòn không xảy ra quá nhanh. Còn chuyện lũ hàng năm khiến nước ngập vào trong tháp là điều cần phải làm ngay nhưng không vì tính cấp bách mà bỏ qua các thủ tục quản lý và cơ sở khoa học trong công tác bảo tồn được.
- Như vậy theo ông, việc làm của ban quản lý di tích Mỹ Sơn đã xâm hại tới di sản Mỹ Sơn ra sao?
Theo tôi, việc làm này đã phá vỡ cảnh quan nguyên gốc của Mỹ Sơn một cách nghiêm trọng. Nó được thể hiện qua việc: San lấp mặt bằng ồ ạt, san lấp dòng suối cổ, chặt cây cỏ trong khu di tích và đặc biệt là làm bờ kè dòng suối bằng bê tông ngay trong khu di tích cổ.
Trong Luật di sản và ngay cả trong điều lệ bảo tồn của khu di tích Mỹ Sơn đã nêu rõ khu vực I trong di tích là khu vực phải bảo tồn nguyên trạng, kể cả trên mặt đất lẫn dưới mặt đất.
Tự “cắt đứt mạch liên kết với quá khứ"
- Việc hàng năm nước lũ đổ về đe dọa tới khu vực di tích Mỹ Sơn là đúng. Vậy các cấp cơ quan nhà nước, cụ thể là Viện Bảo tồn di tích đã có kế hoạch để bảo vệ di tích hay chưa? Hay chính vì chưa có kế hoạch, ban quản lý di tích mới nóng ruột xây dựng bờ kè như hiện tại?
Viện bảo tồn di tích đã có kế hoạch, xây dựng dự án từ năm 2008 và đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008. Vấn đề ở đây là mọi việc làm liên quan đến di tích đều phải theo luật. Chúng ta không thể làm khác. Không thể bỏ qua các trình tự thủ tục quản lý bởi bỏ qua trình tự thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng cải tạo di tích mà không có cơ sở khoa học và cách làm đúng với chuyên môn. Ví dụ như việc đơn vị thi công không có chuyên môn về trùng tu di tích được chỉ định để tư vấn, thiết kế và thi công là điều có thể nhìn thấy rõ.
Bê tông hóa suối Khe Thẻ giữa lòng di sản Mỹ Sơn
Về chuyên môn, nguyên tắc là phải làm nghiên cứu về thủy văn, dòng chảy, từ đó có những số liệu để thiết kế kè và giải pháp xử lý phù hợp. Từ đó, đơn vị được giao trách nhiệm mới lập dự án, làm hồ sơ gửi các cơ quan có thẩm quyền.
- Việc làm của Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn hiện nay đã bị đình chỉ thi công để tiến hành khắc phục. Vậy theo ông, việc khôi phục lại những gì đã bị xâm hại ở Mỹ Sơn có khả thi?
Cái gì đã phá đi thì không bao giờ làm lại được. Cây cối, sân cỏ thì có thể làm lại được, nhưng đối với các tầng lớp đất khảo cổ học phía dưới lòng đất, khi đã bị đào bới bằng máy móc cơ giới với số lượng lớn thì không thể khắc phục được. Nói theo cách của những người làm chuyên môn là chúng ta đã tự “cắt đứt mạch liên kết với quá khứ”.
Khi chúng tôi xuống Mỹ Sơn và nhìn thấy việc họ đã làm, nói thật là hết sức đau xót, buồn và cảm thấy bất lực trước việc họ đối xử với di tích. Số lượng đất bị san lấp, đào bới bằng máy móc là quá lớn. Trong khi nếu là những người làm chuyên môn về khảo cổ, việc tiếp cận di tích phải hết sức thận trọng. Việc đào bởi phải có kế hoạch, khảo sát khảo cổ, biện pháp thi công cũng chỉ dùng bay khảo cổ lật từng cm đất.
Chỉ cần một ví dụ sẽ hiểu. Những người làm khảo cổ phải mất 3 năm mới làm được 2000 mét vuông đất. Còn ở Mỹ Sơn chỉ trong có vài chục ngày họ đã đào hơn 1000m, nơi được đánh dấu là trung tâm của di tích với dày đặc những dấu vết khảo cổ học. Vì vậy, với Mỹ Sơn có thể ví như một người đã bị mổ ra và khâu lại, dù thế nào thì vẫn còn một vết sẹo.