Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

2.000 USD thuê bác sĩ đi… quảng cáo sữa

(15:38:49 PM 15/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Hầu như hội thảo nào về thực phẩm cũng có mời các bác sĩ tham dự. Để mời được một bác sĩ hạng thường tham gia phải tốn từ 3-5 triệu đồng. Nếu muốn có sự xuất hiện của giáo sư đầu ngành thì con số này phải gấp đôi.

Hội thảo sữa là phải có bác sỹ!

 

Cách đây vài ngày, một hãng sữa ngoại nổi tiếng đã tổ chức hội thảo rầm rộ về dinh dưỡng, với sự tham dự của hơn 600 bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về nhi khoa và dinh dưỡng trên khắp VN. Một giáo sư nước ngoài được mời đến hội thảo và nói rất nhiều đến vấn đề sữa bổ sung DHA, ARA. Hãng sữa ngoại tài trợ cho chương trình đã không quên quảng bá các sản phẩm của mình và nhấn mạnh sữa đó có hàm lượng DHA, ARA đạt chuẩn. 
 
Rất đông bác sĩ đến dự hội thảo của một hãng sữa.
Rất đông bác sĩ đến dự hội thảo của một hãng sữa.

Sau đó, những thông tin, hình ảnh của hội thảo được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. Người tiêu dùng khi đọc được những thông tin, hình ảnh trên luôn cho rằng đó là những sản phẩm sữa tốt nhất vì đã được các thầy thuốc VN tham dự nhiệt tình. Đây là cách quảng cáo sản phẩm đang rất phổ biến hiện nay ở VN.

Hội thảo về các loại thực phẩm chức năng cũng tận dụng tối đa uy tín, hình ảnh của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Nói về các sản phẩm làm đẹp thì không thể thiếu bác sĩ da liễu, thực phẩm hỗ trợ yếu sinh lý khi nào cũng có một chuyên gia về sinh sản… Đặc biệt, các Cty kinh doanh thực phẩm chức năng theo kiểu đa cấp thì sự hiện diện của các chuyên gia y tế là thường xuyên và lời họ nói như là “bảo bối” để các “chân rết” tiếp tục mang đi quảng cáo bán sản phẩm.
 
Trên các phương tiện truyền thông cũng tràn ngập các chương trình quảng cáo sản phẩm có hình ảnh một người mặc áo blouse trắng trên tay cầm các loại sâm, sản phẩm tăng cường sinh lực…, thậm chí cả càphê, nước uống tăng lực… Kín đáo hơn là các chương trình tư vấn sức khỏe, giao lưu trực tuyến…, mặc dù nội dung hoàn toàn nói về chuyên môn, nhưng logo sản phẩm vẫn lấp ló đâu đó và các bác sĩ không quên nhắc đến tên sản phẩm để người tiêu dùng ghi nhớ.
 
Thù lao vài triệu đến vài chục triệu cho bác sỹ
 
Bỏ ra vài trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để quảng cáo hình ảnh sản phẩm sẽ không hiệu quả bằng lời khuyên của các thầy thuốc, chuyên gia y tế hàng đầu về tác dụng của sản phẩm. Biết rõ điều này, các Cty đã chọn cách tổ chức các sự kiện, hội thảo có hình ảnh, lời nói của thầy thuốc. Lâu nay, người dân đã có thói quen dùng sản phẩm theo các hình ảnh quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Nhưng gần đây, mọi người đã không còn tin cậy nhiều vào những quảng cáo đó, mà chuyển sang tìm hiểu các thông tin sản phẩm từ các lời khuyên của thầy thuốc.
 
Chị Thu Huyền - nhân viên của một Cty truyền thông lớn tại Hà Nội, có nhiều năm tổ chức các sự kiện, hội thảo về lĩnh vực thực phẩm - cho biết, để mời được một bác sĩ hạng thường tham gia phải tốn từ 3-5 triệu đồng. Nếu muốn có sự xuất hiện của giáo sư đầu ngành thì con số này phải gấp đôi. Một số hãng có thương hiệu lớn thích “chơi trội” thì thù lao phải là 1.000-2.000USD. 
 
Tham gia một sự kiện hay hội thảo chỉ mất 2-3 tiếng mà kiếm vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng đã trở nên hấp dẫn với nhiều thầy thuốc, vì thế mà có những bác sĩ rất “đắt sô”, xuất hiện thường xuyên và quen thuộc với người tiêu dùng. Chị Huyền còn cho biết: Hiện nay, các bác sĩ dinh dưỡng, sản phụ khoa, da liễu… rất được các Cty truyền thông chăm sóc.
 
Ngày 26/4 tới đây, thông tư số 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này ra đời sẽ ngăn chặn việc các Cty lợi dụng thầy thuốc để quảng cáo sản phẩm, do đó cũng sẽ hạn chế phần nào “cửa làm ăn” của các thầy thuốc. Tuy nhiên, sẽ không rõ ràng khi thông tư này không nói đến việc xử phạt nếu Cty cố tình vi phạm, thầy thuốc bắt tay với quảng cáo.
 

 Hãng sữa ’mua’ nhân viên y tế gây hại cho trẻ Việt

 
Tại cuộc hội thảo “Xây dựng chính sách và pháp luật về nuôi dưỡng trẻ nhỏ” do Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức ngày 9/4. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, các hãng sữa ngoại cũng đang “làm mưa, làm gió” khi quảng cáo sữa tràn ngập trong các giờ vàng trên truyền hình. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ trẻ em Việt Nam được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu rất thấp.
 
Đại diện UNICEF và một số tổ chức quốc tế đều cho rằng, do sức mạnh đồng tiền của các hãng sữa khiến ngày càng nhiều các thông tin về sữa.
 
Bà Yeong Joo Kean (Mạng lưới hành động vì dinh dưỡng trẻ nhỏ- IBFAN) cho biết, các hãng sữa đang len lỏi khắp nơi. Họ biến các cơ quan y tế nhà nước thành đối tác trong việc quảng bá dinh dưỡng và sức khỏe trẻ sơ sinh. Sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận các bệnh viện, phòng phẫu thuật, thậm chí mua chuộc các nhân viên y tế.
 
Bà Yeong Joo Kean đã dẫn chứng một hội thảo khoa học ở Việt Nam được Hiệp hội Dinh dưỡng VN tổ chức và được đồng tài trợ bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các công ty sữa. Một số nữ hộ sinh đã từng thừa nhận những câu như: “20 hộp mỗi tháng là mục tiêu của tôi”; “Chúng tôi được tài trợ các chuyến du lịch Singapore, Thái Lan”..
 
Ông Nguyễn Đức Vinh (Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế) nhận định, quảng cáo sữa bột tràn lan và không được quản lý khiến cho các bà mẹ tin rằng vừa cho trẻ bú mẹ vừa cho trẻ uống sữa bột sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
 
Bà Đinh Thị Thu Thủy, cán bộ Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)cho biết, các vi phạm phổ biến hiện nay là: Quảng cáo các sản phẩm sữa công thức cho trẻ trên 12 tháng tuổi; các sản phẩm sữa được ngầm so sánh tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ; các sản phẩm được lý tưởng hóa, hoặc không khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
 
Ngoài ra, các sản phẩm bị cấm quảng bá vẫn được bán tại nhà thuốc hoặc thông qua nhân viên y tế. Các bác sỹ và nhân viên y tế nhận hội thảo, tài trợ của hãng sữa.
 
Trong khi đó, công tác thanh tra không thường xuyên và kịp thời. Việc xác định hành vi vi phạm gặp khó khăn. Mức phạt từ 3- 10 triệu đồng quá thấp, không đủ răn đe. “Sự xung đột lợi ích kinh doanh và sức khỏe bà mẹ/trẻ em là cuộc chiến không cân sức” - Bà Thủy thừa nhận
(Theo Lao Động, ĐVO)