Trước đó, ngày 10/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ra Chỉ thị số 02/CT-UBND (gọi tắt là Chỉ thị 02) về tăng cường công tác quản lý thời gian làm việc của công chức, viên chức nhà nước.
Theo đó, Sở Nội vụ sẽ phối hợp cùng đài phát thanh - truyền hình tỉnh theo dõi, kiểm tra và ghi hình những trường hợp công chức vi phạm quy định về giờ giấc làm việc như bỏ giờ làm, rời nhiệm sở khi chưa hết giờ hành chính...
Những trường hợp bị ghi hình sẽ được phát sóng trên đài truyền hình tỉnh. Các cá nhân, tập thể và lãnh đạo đơn vị có vi phạm sẽ không được xem xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Để chỉ thị được triển khai nghiêm, tỉnh còn lập đoàn kiểm tra gồm 6 thành viên, do ông Trần Hữu Anh, Chánh thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, làm trưởng đoàn và ông Trần Đăng Mậu, Trưởng phòng Thời sự QTV làm phó đoàn... Một trong những nhiệm vụ của đoàn là ghi hình cán bộ, công chức làm việc không đúng tác phong, giờ giấc… để phát trên sóng QTV.
Ngay “phát súng” đầu tiên, đoàn kiểm tra đã làm giới cán bộ, công chức “choáng váng” khi đưa hình ảnh bê trễ của một số vị lãnh đạo cấp sở, huyện lên ti vi.
“Tôi nhớ đó là một buổi họp được tổ chức ngay tại trụ sở UBND tỉnh. Khi cuộc họp đã bắt đầu khá lâu thì 1 vị chủ tịch huyện và 2 giám đốc sở mới lần lượt đến với điệu bộ không lấy gì làm vội vàng. Tất cả đều được ghi hình lại... và bản tin phản ánh việc này phát sóng ngay tối hôm ấy”, ông Trần Đăng Mậu, Trưởng phòng Thời sự QTV, nói.
Đặc biệt, ủng hộ cách làm của tỉnh, người dân khi phát hiện sai phạm đã báo cho đoàn kiểm tra đến ghi hình…và phát hiện trường hợp cả ủy ban bận... đi đám ma ở UBND P.1 (TP.Đông Hà).
Công an xã ở H.Hải Lăng (Quảng Trị) tổ chức “giao lưu” không đúng lúc, bị phóng viên QTV ghi hình lại giữa tháng 2/2013 |
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “…Có vậy mới ngăn chặn được việc công chức, viên chức bỏ công sở trong giờ làm việc; ai cũng hưởng lương như nhau mà người làm người chơi là không được.
Còn theo ông Anh và ông Mậu, với những kết quả bước đầu của đoàn kiểm tra, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Nội vụ đã chỉ đạo tiếp tục duy trì, thực hiện phương pháp này. “Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chúng tôi không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” mà phải làm có trọng tâm, dù thời gian có thể kéo dài trong cả năm 2013”, ông Anh nói.
Theo ông Trần Hữu Anh, trong thời gian sắp tới đoàn sẽ tiếp tục chú tâm đến việc kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các hành vi như: đi trễ, về sớm; uống cà phê, chơi game trong giờ làm việc; ăn nhậu trong buổi trưa...
“Thêm vào đó, trước thường kiểm tra vào buổi sáng nhưng nay sẽ kiểm tra cả ngày. Việc kiểm tra sẽ chuyên nghiệp và bí mật tới mức, trước khi lên xe xuất phát, các thành viên trong đoàn sẽ không được biết cơ quan, đơn vị nào mình sẽ đến để tránh lộ thông tin”.
Các tỉnh đồng loạt giật mình kiểm tra chất lượng công chức
Gần đây, một số địa phương cũng đã và đang quyết liệt kiểm tra, chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức để nâng chất lượng phục vụ người dân.
Ngày 15/3, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2136/QĐ-UBND về việc kiểm tra công vụ và thành lập Đoàn kiểm tra công vụ.
Theo đó, đoàn có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy chế làm việc, quy trình công tác và sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên; việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện các quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố Hà Nội.
Được biết phương thức kiểm tra sẽ thường xuyên, đột xuất, không báo trước. Thời hạn kiểm tra từ ngày 15/3 đến hết ngày 31/12/2013.
Chiều 29/1, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm điểm, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính sau khi sở kiểm tra đột xuất phát hiện 224 người vi phạm giờ giấc làm việc.
Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận thành lập tổ công tác do một Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng kiểm tra đột xuất tất tần tật các công chức làm việc tại các sở, ngành, địa phương của tỉnh và đưa ra con số: 224 công chức… “ăn gian” giờ làm việc.
Sở Nội vụ Ninh Thuận đã kiểm tra đột xuất kèm theo nghiệp vụ có camera quay phim, làm chứng cứ cụ thể…
"30% công chức "có cũng như không"? |
Ông Trần Văn Đông, chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho biết, trong đợt kiểm tra đột xuất vừa rồi của tổ công tác Sở Nội vụ, UBND huyện Ninh Hải được thông báo là có 35 cán bộ, công chức đi trễ, trong đó có 17 trường hợp đi trễ hơn 30 phút và phòng tiếp công dân không có công chức trực.
Còn ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từng tuyên bố ở tỉnh này có không ít cán bộ, công chức thuộc diện “nếu không có họ thì cũng không ảnh hưởng gì đến công việc”.
“Chúng tôi có quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu say buổi trưa và tin rằng họ có ý thức tốt và chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lâu lâu không ai nói gì thì xé rào, tôi vừa chỉ đạo Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp cử các nhóm phóng viên bất ngờ đến quay phim các công sở vào đầu giờ sáng và chiều. Thủ trưởng cơ quan phải giải trình nếu ở các phòng có tình trạng thiếu cán bộ, công chức làm việc không rõ lý do”.
Trước đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra con số 30% công chức "có cũng như không".
“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.