Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. (Nguồn: stnmt.thuathienhue.gov.vn)
Về lâu dài, tỉnh đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình quốc gia về bảo tồn quỹ gen, tạo nguồn lực cho đầu tư, bảo tồn và phát triển nguồn gen.
Nguồn gen được ví như là một trong những tài nguyên thiên nhiên tái tạo được, có tầm quan trọng đặc biệt, sánh ngang với tài nguyên đất và nước. Trong khi nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế tập trung bảo tồn nguồn gen thì ở Việt Nam, nhất là ở Thừa Thiên-Huế, nguồn tài nguyên di truyền này đang đứng trước thách thức do các hệ sinh thái bị phá vỡ và tốc độ tuyệt chủng của các loài động, thực vật ngày càng tăng.
Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương có tài nguyên sinh vật đa dạng, được đánh giá là thuộc loại cao của Việt Nam và khu vực ở cả 3 mức đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen.
Trong 4 vùng sinh thái đặc thù, Thừa Thiên-Huế có 2 hệ sinh thái được đánh giá là tiêu biểu cho các hệ sinh thái tương tự của Việt Nam và khu vực là hệ sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã và hệ sinh thái đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Về đa dạng loài, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 3.539 loài thực vật, thuộc 283 họ; trong đó có 122 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đối với động vật, thống kê ở Thừa Thiên-Huế có 1.448 loài, bao gồm 700 loài cá, 409 loài chim, 147 loài thú, 106 loài bò sát và 86 loài lưỡng cư; trong đó có 99 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Đây cũng là địa phương đang sở hữu sự đa dạng sinh học phong phú, đặc biệt là đa dạng các loài quý hiếm có phẩm chất cao, thích nghi với các điều kiện khó khăn, trong đó có cây trồng và vật nuôi quý hiếm.
Vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai với nguồn gen sinh vật đa dạng và phong phú, đặc trưng cho khu hệ đầm phá. Qua thống kê cho thấy, toàn khu hệ có 221 loài thực vật phù du; 54 loài thực vật nhỏ sống đáy; 46 loài rong biển; 7 loài thực vật ngập mặn; 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao và 31 loài thực vật bậc cao.
Trên đối tượng thực vật ngập mặn, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 16 loài ở hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trong số các loài thực vật ngập mặn đã xác định có 2 cá thể cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và cóc hồng (Lumnitzera rosea), hiện mỗi loài chỉ có một cá thể duy nhất ở huyện Phú Vang.
Những giống cây trồng địa phương có giá trị cao như gạo Gie An Cựu, gạo Hẻo rằn, gạo Nước mặn, gạo Chiên, Hương Cốm, nếp Kỳ Sơn, nếp 98, Ra Dư, lốc, Avao…, sen Huế, bưởi thanh trà, quýt Hương Cần, quả dâu Truồi…, cũng đang mất dần do không chú trọng đến việc bảo tồn nguồn gen.
Trong khi đó, tình trạng gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, khai thác ồ ạt thiếu quy hoạch và sự thâm canh nông nghiệp không hợp lý dẫn đến nguồn gen động thực vật đã và đang bị xói mòn, mất mát với tốc độ rất nhanh. Các giống cây trồng và vật nuôi quý ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nguy cơ biến mất và thoái hóa.
Nguyên nhân là do việc đưa các giống mới vào sản xuất dẫn tới mất dần các giống địa phương có tính thích nghi bền vững do nền di truyền rộng; các chương trình lai tạo dùng giống đực ngoại để cải tạo giống địa phương làm giảm tỷ lệ giống thuần chủng; một số nguồn gen số lượng cá thể quá ít khi phát triển nảy sinh vấn đề đồng huyết, cận huyết làm suy giảm chất lượng nguồn gen.
Bên cạnh đó, nạn phá rừng, việc thay đổi phương thức sử dụng đất, mở mang đô thị, giao thông và các công trình công cộng; công tác quản lý nguồn gen chưa được quan tâm đúng mức.
Thực hiện bảo tồn nguồn gen tại tỉnh Thừa Thiên-Huế là việc làm cần thiết phục vụ cho khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và các nguồn gen quý hiếm đặc hữu trên địa bàn.
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có sự phối hợp giữa các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế... để hình thành và theo dõi các nhiệm vụ quỹ gen cấp tỉnh nhằm ngăn chặn hiểm họa do các hệ sinh thái bị phá vỡ và tốc độ tuyệt chủng của các loài động, thực vật ngày càng tăng.