Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình ảnh minh họa
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến góp ý của các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh sửa 5 vấn đề lớn.
Đó là các vấn đề tổ chức Khoa học và Công nghệ; cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và các biện pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ; phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách và về Danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, một trong những điểm mới của dự thảo là đã làm rõ cơ chế phân chia lợi nhuận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với việc quy định lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới và giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ này.
Liên quan đến vấn đề thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng nên quy định theo hướng Chính phủ có thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ cấp quốc gia vì Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ nên các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Quốc hội, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam...cũng phải do Chính phủ thành lập nhưng đặt dưới quyền quản lý của các cơ quan nêu trên.
Tuy nhiên theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và nhiều ý kiến khác, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ hơn về tiêu chí xác định, phân loại các tổ chức khoa học và công nghệ "cấp quốc gia” cả về quy mô, tầm cỡ...từ đó mới xác định được thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập cho phù hợp.
Về đề xuất quy định danh hiệu Nhà khoa học ưu tú, nhà khoa học nhân dân, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nhất thiết quy định nội dung này trong Dự thảo Luật này mà để các văn bản pháp luật khác quy định. Nhiều ý kiến cũng nhất trí với việc không cần thiết phải quy định về Viện hàn lâm khoa học thành một điều riêng trong Dự thảo Luật.