Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tăng vai trò lực lượng vũ trang về ứng phó thiên tai

(08:49:38 AM 12/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Thảo luận tại phiên họp thứ 17, chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Lực lượng vũ trang tham gia diễn tập cấp cứu các nạn nhân trong nhà sập đổ do bão. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

 

Các thành viên ủy ban đã góp ý cụ thể về bốn vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau như đối tượng, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật; nguồn nhân lực và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng chống thiên tai; quỹ phòng chống thiên tai và về cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với quy định về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng chống thiên tai như Điều 6 dự thảo Luật.

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, quy định như dự thảo Luật sẽ huy động được tất cả các lực lượng thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai.

Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ khi thiên tai xuất hiện; quân đội nhân dân và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc sơ tán người, phương tiện, tài sản, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và khắc phục hậu quả thiên tai theo sự điều động của người có thẩm quyền.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần thể hiện lại Điều này theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn vai trò, trách nhiệm của lực lượng này trong các giai đoạn của cả quá trình phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm tránh sự ỷ lại các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về tên gọi của dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, tên gọi Luật Phòng chống thiên tai phù hợp, ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng chống thiên tai; thể hiện thái độ chủ động trong phòng chống thiên tai; phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật.

Tuy nhiên, tại Điều 68 (mới) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có cụm từ “phòng, tránh và giảm nhẹ thiên taim,” các thành viên ủy ban cho rằng cần cân nhắc sự cần thiết phải thống nhất với cụm từ này.

Cũng trong phiên họp chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). 

Theo TTXVN