Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể bị xâm phạm

(00:21:50 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Tại khu bảo tồn Vườn Quốc gia Ba Bể đang xảy ra hiện tượng phá rừng với hàng trăm cây gỗ nghiến từ trăm năm tuổi đến nghìn năm tuổi bị chặt hạ . Dù đây là rừng đặc dụng đang bị cấm tuyệt đối khai thác dưới bất kỳ hình thức nào... nhưng ở đây trong nhiều năm nay tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trái phép vẫn diễn ra.

rung dac dung

 

 

Rừng đặc dụng ở Vườn Quốc gia Ba Bể đang bị xâm phạm


Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trên địa bàn 5 xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Cao Thương, Quảng Khê, Cao Trĩ thuộc huyện Ba Bể ( Bắc Kạn). Vườn có diện tích 7.610 ha (30 km²), trong đó: Khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 3.266,2 ha; Khu phục hồi tái sinh rộng 4.083,4 ha; Khu dịch vụ hành chính 301,4 ha.


Theo ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Cao Thượng, ở ngay đầu xã Cao Thượng có một trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Ba Bể, các cán bộ kiểm lâm vẫn thường xuyên đi tuần qua đây. Không hiểu sao vẫn có người khai thác gỗ nghiến trong rừng.

 

Bản thân ông và những người dân ở đây đều biết, nhưng rừng sâu, đường đi lại khó khăn nên ít đến khu vực đó. Mức độ khai thác nhiều hay ít cũng không biết.


Theo quan sát của chúng tôi thì mức độ khai thác là lớn và có hệ thống, bởi các phần còn bỏ lại của cây nghiến là rất nhiều: nhiều cây còn tươi lá, có những cây lá đã khô nhưng chưa lâu và còn nhiều cây rất to bị chặt hạ lâu ngày, phần thân ngoài đã bị mục...


Với những hình ảnh chúng tôi ghi lại được, trong một khu vực không rộng (khoảng 1 ha) cũng phải đếm được hàng trăm thân cây nghiến bị bỏ lại, hoặc là mới bị hạ chưa kịp chuyển đi, trong đó có nhiều cây đường kính 1 mét, có cả cây đường kính trên 2 mét.

 

Cũng trong khu vực này, vẫn còn lại những điểm xẻ gỗ, những mảnh gỗ còn mới tinh chưa kịp vận chuyển, mạt cưa còn đỏ nguyên... Đặc biệt, những cây nghiến to không thể dùng cưa để hạ, lâm tặc đã dùng lửa đốt gốc cho cây đổ sau đó mới dùng cưa máy “xẻo” từng mảnh, từng đoạn. Lửa vẫn còn cháy ở những gốc cây bị đốt.


Theo người dân địa phương, thì những gốc to như vậy có thể cháy rất lâu, thậm chí mưa nhỏ cũng không dập được. Những cây to thì được xẻ ra thành những mảnh rộng từ khoảng 70-80 cm, dài trên 3 mét và dày chừng 20cm dùng để làm sập, phản; những cây nhỏ hơn cũng một phần xẻ thành ván đủ làm bậu cửa, những cây nhỏ và phần thân nhỏ của những cây to được cắt thành thớt...



Trên đường đi ra, chúng tôi may mắn gặp được 3 người dân vào rừng hái lá bồ khai. Họ không biết tiếng Kinh nên phải qua người dẫn đường chúng tôi mới hỏi được một số câu. Theo họ, “lâm tặc” khai thác nhiều lắm, cả ngày, cả đêm chứ không chỉ có ngày thôi đâu. Hỏi có biết ai khai thác không, họ lắc đầu. Theo “Người phiên dịch”, họ sợ không dám nói !.


Chúng tôi có gặp một số người dân ở bản Cám Bân (Cao Thượng), họ đều trả lời là biết có người làm gỗ ở trong rừng, nhưng không biết là ai. Họ cũng nói là “làm gỗ” nhiều và lâu rồi, ầm ĩ lắm, nhiều người còn mất ngủ vì tiếng ồn từ rừng bay ra...

 

Theo một thầy giáo già trong bản gần rừng (các nhân vật trong bài đều muốn giấu tên, địa danh ở...) thì việc khai thác vận chuyển gỗ nghiến ở rừng Quốc gia Ba Bể gần như công khai, “họ” dùng cưa máy, xẻ gỗ ầm ầm.


Khi vận chuyển họ thuê người vận chuyển ra sông Năng để đưa đi Na Hang (Tuyên Quang) và chuyển bằng khênh vác ra các đường quốc lộ đưa lên ô tô chở đi các nơi... không hiểu sao kiểm lâm không biết?.


Chúng ta có cả một hệ thống chính trị, pháp luật để bảo vệ lợi ích xã hội, cộng đồng, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên cũng chính là bảo vệ sinh thái, môi trường...

 

Chúng ta có lực lượng được đào tạo nghiệp vụ đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, có đủ các lực lượng để phối hợp hành động trong những tình huống cần thiết... tại sao không làm được?. Chẳng lẽ lâm tặc mạnh hơn chính quyền?



Khi gần kết thúc bài viết này, chúng tôi nhận được thêm thông tin, không chỉ ở khu vực thôn Nà Sliến, bản Nà Khiến, mà rừng Quốc gia Ba Bể ở khu vực Khuổi Hao, Tà Cọt, đỉnh Động Puông giáp với Khau Bút tình trạng phá rừng còn nghiêm trọng hơn .

Nguyễn Trình