Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình ảnh minh họa
Ban Thư ký ASEAN và Trung tâm Môi trường toàn cầu (GEC), với sự hỗ trợ từ Dự án rừng đất than bùn của IFAD/GEF-ASEAN (APFP) và Dự án EU-SEApeat, ngày 8/4 đã tuyên bố khởi động cuộc thi.
Với chủ đề "Than bùn cho cuộc sống," cuộc thi sẽ vinh danh các cá nhân và nhà báo có các bài viết về vùng đất than bùn bao gồm tính bền vững, đa dạng sinh học, sinh kế cộng đồng và vấn đề môi trường trong khu vực Đông Nam Á.
Tiến sỹ Raman Letchumanan, Giám đốc Bộ phận môi trường của Ban Thư ký ASEAN, đồng thời là Giám đốc của dự án APFP cho biết, vùng đất than bùn là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới để giải quyết tận gốc những nguyên nhân của khói mù xuyên biên giới do cháy than bùn gây ra.
Giải thưởng truyền thông về vùng đất than bùn ASEAN nhằm mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề và thách thức trong quản lý đất than bùn trong khu vực và đưa ra những câu chuyện thành công của các chính phủ cũng như những nỗ lực bảo tồn đất than bùn ở các nước ASEAN đến với công chúng.
Cuộc thi được chia thành hai loại, Truyền thông In và Truyền thông mới và dành cho tất cả các cá nhân và tổ chức có bài viết về chủ đề liên quan đến than bùn được xuất bản từ ngày 1/1-31/12/2013.
Các chủ đề có thể bao gồm các bài viết liên quan đến đất than bùn, từ sinh thái đến kinh tế xã hội có ý nghĩa chung cho cộng đồng ASEAN, bao gồm lửa đất than bùn và khói mù, nghiên cứu khoa học-khám phá, đất than bùn và biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và suy thoái đất, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh kế cộng đồng trên đất than bùn, kinh tế và tính bền vững của phát triển đất than bùn...
Hiện có hơn 24 triệu ha đất than bùn được phát hiện khắp khu vực Đông Nam Á. Vùng đất than bùn tự nhiên chủ yếu là rừng tự nhiên, cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ có giá trị bao gồm cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ, cá, nước.
Bên cạnh đó các vùng đất than bùn còn có khả năng kiểm soát lũ, lưu trữ carbon và điều hòa khí hậu. Một khi các vùng đất than bùn bị khô hạn hoặc bị suy thoái, nó rất dễ bị cháy.
Tại ASEAN, hiện tượng mây mù khói xuyên biên giới trong khu vực đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà nguyên nhân chính là do các vùng đất than bùn bị cháy gây ra.
Giải thưởng sẽ gồm 3.600 USD tiền mặt và một chuyến đi nhận giải tại khu nghỉ mát Frangipani Langkawi, Malaysia, trị giá 1.000 USD cho những người thắng cuộc ở cả hai thể loại.
Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ 1/4/2013 đến 31/12/2013.