Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quyền lao động: từ lý thuyết tới thực tiễn

(11:31:58 AM 09/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Báo cáo “Quyền lao động trong chuỗi cung ứng của Unilever: Từ tuân thủ pháp luật tới thực tiễn áp dụng tốt” của Tổ chức quốc tế Oxfam, dựa vào nghiên cứu ở Việt Nam, tìm hiểu thực tế điều kiện lao động ở nhà máy Unilever và chuỗi cung ứng của Unilver, so sánh các phát hiện với cam kết chính sách toàn cầu của công ty. Báo cáo này sẽ được giới thiệu tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu của Oxfam, được tổ chức vào sáng ngày 9 tháng 4, 2013 tại Hà Nội.

Lao động nữ- Ảnh minh họa

 

Trong nhiều năm qua, Oxfam đã nỗ lực vận động các công ty có hành động cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân tại các chuỗi giá trị của những công ty đa quốc gia trên khắp thế giới hiện vẫn đang phải làm việc trong điều kiện nghèo nàn, ngược lại với những chính sách thường là tốt đẹp của các nhà quản lý. Với mong muốn cải thiện và hoàn thiện hơn nữa các tiêu chuẩn lao động cho nhân viên và công nhân của mình, Unilever đã đồng ý với đề nghị của Oxfam thực hiện nghiên cứu này. Ở Việt Nam, Unilever có khoảng 1.500 lao động sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân, dùng trong gia đình và thực phẩm; và có một chuỗi cung ứng khá lớn.

 

Báo cáo tập trung nghiên cứu hai mục tiêu chính:

 

Mục tiêu 1: Đánh giá các tiêu chuẩn lao động trong các công ty và chuỗi cung ứng của Unilever, cân nhắc các tiêu chuẩn quốc tế và các điều kiện địa phương.

 

Mục tiêu 2: Xây dựng một bộ nguyên tắc và biện pháp để hướng dẫn Unilever, và các công ty khác, trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của mình, như là phần bổ sung vào các biện pháp hiện có về đảm bảo môi trường lao động.

 

Theo đó, 4 vấn đề được lựa chọn tập trung giải quyết gồm: (1) Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; (2) Lương đủ sống; (3) Giờ làm việc; và (4) Lao động hợp đồng.

 

Nghiên cứu của Oxfam chỉ ra rằng các vấn đề quyền lao động thường rất mờ nhạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở chuỗi cung ứng của Unilever, hơn 1/2 số doanh nghiệp được hỏi không biết về yêu cầu của Unilever về các tiêu chuẩn lao động và có thể thấy các ví dụ về lương thấp, thời giờ làm việc kéo dài và công việc tạm thời.

 

Unilever đã cam kết tôn trọng và thúc đẩy quyền con người thông qua việc áp dụng các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Quyền Con người. Chính sách công ty đưa ra một bộ khung hợp lý nhưng không có cam kết nào về Lương Đủ sống mà chỉ có một cam kết hạn chế về việc tránh các việc làm tạm thời.

 

Ông Andy Baker, Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam cho biết “Oxfam đánh giá cao thiện chí của Unilever trong việc công khai thông tin về các công ty và chuỗi cung ứng của mình đối với các cán bộ của Oxfam cũng như với nhóm nghiên cứu; điều này được thể hiện qua mức độ minh bạch thông tin cao và cam kết thực sự trong việc gắn kết với các bên liên quan”. Ông nhấn mạnh “Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ khuyến khích Unilever cam kết rà soát mô hình kinh doanh của mình cũng như khuyến khích các công ty khác ngày càng cởi mở hơn với những thách thức của khu vực vốn đã rất đa dạng”.

 

Hội thảo cũng đề ra mục tiêu dẫn dắt thảo luận và khuyến khích hành động giữa các công ty, Chính phủ, và xã hội dân sự về việc làm thế nào để giảm khoảng cách giữa các tiêu chuẩn quốc tế, chính sách toàn cầu của công ty với thực tế của công nhân. Một trong các hoạt động liên quan sẽ diễn ra trong tuần là Hội thảo mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống, do Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Oxfam, dự định tổ chức vào ngày thứ sáu, 12 tháng 4, 2013.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG