Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chuyển rừng đặc dụng Yên Tử thành rừng quốc gia

(00:21:41 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tại Công văn số 537/TTg-KTN ngày 2/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển Khu rừng đặc dụng Yên Tử, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thành Rừng quốc gia Yên Tử.

 

 rung yen tu

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển Khu rừng đặc dụng Yên Tử thành Rừng quốc gia Yên Tử.





Hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho các cơ quan chức năng trong tỉnh xây dựng dự án đầu tư xây dựng khu rừng đặc dụng Yên Tử thành Rừng quốc gia Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.





Theo các nhà động, thực vật khảo sát, nghiên cứu, hiện trong khu vực rừng đặc dụng Yên Tử còn chứa đựng nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm gồm 5 ngành thực vật với 830 loài, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm như: Lim xanh, táu mật, lát hoa, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao…. Hệ động vật đa dạng và phong phú, trong đó có 23 loài đặc hữu quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Voọc mũi hếch, sóc bay lớn, ếch gai, ếch ang… có giá trị cao trong việc bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch.





Rừng đặc dụng Yên Tử, TX Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-CT ngày 9/6/1986 với tổng diện tích 2.687 ha, trong đó có 1.736 ha rừng tự nhiên. Yên Tử không chỉ là một trong những danh lam thắng cảnh, điểm thăm quan du lịch, lễ hội truyền thống nổi tiếng của cả nước mà còn là một Trung tâm của Phật giáo Việt Nam (nơi khởi phát Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử).





Việc nâng cấp Rừng đặc dụng Yên tử thành Rừng quốc gia Yên Tử sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường cùng như bảo tồn và phát triển các mẫu chuẩn hệ động thực vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật quý hiếm...

Mạnh Tú