Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các học sinh trong một lớp học toàn nam ở Thượng Hải (Nguồn: AFP)
Trong một buổi học được AFP tường thuật, các nam sinh mặc áo trắng ngồi theo hàng được cô giáo Shen Huimin gọi lên bảng để hoàn tất một công thức hóa học. Cô hy vọng việc chuyển sang một lớp học toàn nam giới sẽ giúp các học trò của mình vượt qua tính rụt rè, nhút nhát.
"Chúng tôi mang tới cho các nam sinh cơ hội thay đổi" - cô nói.
Hệ thống trường học Thượng Hải đã đứng đầu các cuộc thi đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trên toàn cầu dành cho học sinh 15 tuổi vào năm 2009, vượt qua cả Hàn Quốc, Hong Kong, Phần Lan và Singapore.
Nhưng dù có vậy, các quan chức vẫn quan ngại rằng một số nam sinh có thể chậm hơn các bạn nữ trong một số lĩnh vực học tập như ngôn ngữ và việc chuyển sang lớp học toàn nam là để tăng sự tự tin của các nam sinh.
Một nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc là Sun Yunxiao đã phát hiện rằng tỉ lệ các nam sinh đạt thành tích cao trong cuộc thi đầu vào đại học ở nước này tụt từ 66,2% trong năm 1999 xuống còn 39,7% trong năm 2008.
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD phát hiện hồi năm 2009 rằng tại các nước phát triển, con gái thường học khá hơn con trai ở các trường trung học cơ sở.
"Có sự khác biệt lớn về kết quả học hành dựa trên giới tính " - báo cáo nói, cho biết thêm rằng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học trung bình trong OECD là 87% với nữ giới, nhưng chỉ đạt 79% với nam giới.
Để phản ứng với tình trạng này, trường chuyên Trung học phổ thông số 8 của Thượng Hải đang tiến hành thực nghiệm kéo dài khoảng một năm, trong đó đưa 60 nam sinh vào hai lớp học chỉ toàn nam giới. Con số này chiếm 1/4 số học sinh mới nhập học của trường và các em cũng được dạy bằng một chương trình học đặc biệt.
"Đây là sự đột phá lớn" - Hiệu trưởng Lu Qisheng nói - "Chúng tôi đặt rất nhiều hy vọng - hy vọng rằng các nam sinh sẽ phát triển tốt hơn. Các cậu trai khi còn trẻ thường không dành đủ thời gian cho việc học hành. Sự trưởng thành của các nam sinh, đặc biệt là về ngôn ngữ và thể hiện sự tự chủ, luôn kém hơn so với nữ sinh".
Chúng tôi thiếu sự tự tin
Trung Quốc đã đóng cửa phần lớn trường học một giới sau nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949 và các trường trung học toàn nam sinh duy nhất tồn tại ở nước này đều là trường tư.
Thượng Hải có một trường trung học toàn nữ, tên cũ là Trường nữ sinh McTyeire, nơi mới kỷ niệm 120 năm thành lập hồi năm ngoái và có học sinh là 3 chị em nhà họ Tống - Khánh Linh, Ái Linh và Mỹ Linh.
Học sinh Li Zhongyang, 15 tuổi, nói rằng cậu đã cảm thấy đỡ ngượng ngùng hơn khi trả lời các câu hỏi trong lớp học toàn nam của mình. Cậu khiến các bạn cười ồ khi nói rằng việc không có các bạn gái đã khiến việc học tập trở nên tập trung hơn.
"Chúng tôi thiếu sự tự tin" - cậu nói - "Các giáo viên thích các nữ sinh, những người hay trả lời câu hỏi trong lớp. Chương trình này giúp chúng tôi nhận ra rằng mình không kém hơn các bạn gái".
Đây là điều tương phản với truyền thống nam giới chiếm vị thế chi phối trong văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên hiệu trưởng Lu nói rằng chương trình "không có nhiều mối liên quan tới sự bình đẳng trong xã hội". Chương trình này đã được triển khai sau khi chính quyền Trung Quốc kêu gọi việc đa dạng hóa sự lựa chọn về giáo dục trong hệ thống giáo dục nhà nước.
Một giáo sư ở Đại học Bắc Kinh đã kêu gọi việc cải cách mạnh hơn nữa, cho rằng từ tháng 9 tới, các nam sinh nên nhập học chậm hơn 1 hoặc 2 năm so với nữ sinh.
"Hệ thống giáo dục Trung Quốc cần phải được cải thiện và cho phép nhiều phương thức giáo dục mới" - Wu Bihu nói trên blog của ông.
Giờ Lu hy vọng sẽ tạo ra một trường học toàn nam sinh đầu tiên ở Trung Quốc trong tương lai.
"10 hoặc 20 năm trước, hoàn toàn không cần thiết phải mở các lớp học toàn nam" - ông nói. Nhưng ông đánh giá trong một xã hội ngày càng trở nên tham vọng, một số gia đình đã coi chương trình mới giống như nhiều trường tư hàng đầu ở nước ngoài và qua đó sẽ giúp con họ có lợi thế trong chương trình thi đầu vào đại học.