Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thuốc thử chẩn đoán H7N9. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ 1/4 đến 6/4, Trung Quốc có 16 trường hợp dương tính với cúm A (H7N9) và 6 trường hợp đã tử vong. Qua đây cho thấy tỷ lệ tử vong trên số người mắc do vi rút cúm A (H7N9) là khá cao.
Các bệnh nhân mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi từ ít tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và cao tuổi nhất là người 87 tuổi. Vì vậy chưa xác định được tần xuất ở nhóm nào mắc nhiều nhất và cũng chưa xác định được nguồn lây bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định cho đến thời điểm này chưa tìm được mối liên quan và bằng chứng của việc vi rút này lây từ người sang người; đồng thời cũng khuyến cáo chưa có bất cứ một hạn chế nào về đi lại, du lịch và thương mại nên Bộ Y tế chưa áp dụng tờ khai về kiểm dịch y tế quốc tế.
Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nào nhiễm vi rút cúm A (H7N9) nhưng Bộ Y tế đã có nhiều công văn chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đồng thời triển khai đồng loạt các biện pháp từ giám sát, điều trị đến truyền thông để sẵn sàng đối phó khi đại dịch xảy ra. Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn công tác và 2 đoàn đã đi kiểm tra tại các cửa khẩu.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nguyễn Văn Kính cho biết: Để chủ động phòng chống cúm A (H7N9), bệnh viện đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ; phối hợp với hệ thống giám sát dịch tễ xác định ca bệnh đầu tiên để tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; chẩn đoán, điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; duy trì hoạt động của bệnh viện trong trường hợp đại dịch bùng phát lớn. Bệnh viện đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A (H7N9) để trình Bộ Y tế ban hành. Dự kiến ngày 9/4 sẽ được Bộ Y tế thông qua.
Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch; đội phòng chống dịch lưu động sẵn sàng cho điều động khẩn cấp; phân công bảo đảm chế độ thường trực chuyên môn, trực phòng chống dịch 24/24 giờ; huy động sự tham gia của tất cả đội ngũ cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế khi được yêu cầu. Đồng thời, tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A (H7N9); đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Đặc biệt, khi có dịch xảy ra, bệnh viện sẽ mở rộng khu vực khám bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly bệnh nhân và phòng áp lực âm. Hiện nay, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn phương tiện chẩn đoán PCR cúm A (H7N9), hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về bệnh dịch, đường lây truyền, cách phòng chống dưới nhiều hình thức; tổ chức các lớp tập huấn về công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân cho bác sỹ, y tá và điều dưỡng của bệnh viện; triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường và chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Ông Nguyễn Văn Kính cũng khẳng định, bệnh viện là nơi có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm. Bệnh viện hiện có 45 giường cấp cứu, 3.000 viên thuốc Tamiflu, 250 khẩu trang kháng vi rút, 250 trang phục phòng hộ, 23 máy thở, 2 máy lọc máu liên tục và 1 máy lọc máu ngắt quãng.
Tuy nhiên, do bệnh viện nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai nên việc vận chuyển bệnh nhân vào viện và chuyển viện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi các dịch xảy ra; diện tích sử dụng còn chật hẹp; thiếu máy thở và máy lọc máu liên tục; kinh phí phòng chống dịch chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động.