Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Binh sĩ Hàn Quốc tập trận đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mặc dù trong hai tuần qua, lực lượng Mỹ liên tục phô trương sức mạnh bằng các phương tiện chiến tranh hiện đại, song hầu hết binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc lại quan tâm hơn đến việc nghỉ phép và các khoản cắt giảm ngân sách, chứ không phải là triển vọng của một cuộc chiến tranh lớn hoặc một cuộc tấn công hạt nhân.
Căng thẳng liên tục leo thang - được thể hiện như một ván cờ “ăn miếng trả miếng” giữa Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn - là chủ đề nổi bật của các phương tiện truyền thông trên thế giới, từ đó làm cho nhiều người liên tục gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử bày tỏ tâm trạng đầy lo lắng cho người thân đang sinh sống hoặc làm việc tại Hàn Quốc.
Nhiều người lo ngại Triều Tiên có thể phát động một cuộc tấn công khiêu khích như họ từng nã pháo lên một hòn đảo của Hàn Quốc gần biên giới biển tranh chấp giữa hai nước năm 2011 hoặc khi họ bắn chìm một tàu hải quân Hàn Quốc đầu năm 2011.
Triều Tiên đã phát triển truyền thống thách thức các tân tổng thống Hàn Quốc trong bối cảnh bà Park Geun-hye vừa lên nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc được hai tháng. Với mức độ sẵn sàng như hiện nay, Triều Tiên có thể không mất nhiều thời gian để phát động một cuộc tấn công. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng biết rằng, một cuộc tấn công tổng lực sẽ là tự sát và liệu đồng minh Trung Quốc có can thiệp như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên hay không?
Trong hai thập kỷ qua, Triều Tiên sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh để đòi viện trợ và các nhượng bộ từ phương Tây.
Lần này, Triều Tiên có nhiều hành động đáng lo ngại hơn như phóng tên lửa thành công hồi tháng 12/2012, tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2/2013, tiếp đó liên tục đưa ra những tuyên bố hiếu chiến đe dọa biến Seoul và Washington thành “biển lửa”, cắt đứt thông tin liên lạc hai chiều tại khu phi quân sự, tuyên bố hiệp định đình chiến với Hàn Quốc là vô giá trị và tuyên bố bán đảo Triều Tiên trong “tình trạng chiến tranh”, sẵn sàng phát động cuộc tấn công bằng tên lửa phá hủy các căn cứ quân sự của Hàn Quốc và Mỹ, chiếm toàn bộ Hàn Quốc trong 3 ngày.
Ngày 2/4, Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ bắt đầu tái khởi động một lò phản ứng plutoni và tăng cường sản xuất urani ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cũng có những động thái chuẩn bị. Mỹ đã thể hiện sức mạnh bằng cách huy động các máy bay ném bom chiến lược B-52, một tàu ngầm tấn công hạt nhân, các máy bay chiến đấu F-22 và 2 máy bay ném bom tàng hình B-2 từ căn cứ không quân ở Missouri tham gia các cuộc diễn tập với Hàn Quốc.
Ngoài ra, tàu khu trục tên lửa có điều khiển lớp Aegis mang tên “McCain USS” được Mỹ sử dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đang thả neo ở ngoài khơi bờ biển tây nam của bán đảo Triều Tiên và một trạm ra đa đặt căn cứ trên biển đang trên dường di chuyển gần hơn đến Triều Tiên để theo dõi các vụ phóng tên lửa.
Cùng lúc đó, tân Tổng thống Hàn Quốc cam kết “phản ứng mạnh mẽ” trước bất cứ cuộc tấn công nào của Triều Tiên và cho phép các đơn vị quân sự địa phương được quyền phản ứng theo cách riêng của họ.
Có ý kiến cho rằng, với những tuyên bố và hành động hiếu chiến, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang muốn "đánh bóng tên tuổi" ở trong nước và nỗ lực thu hút sự ủng hộ của quân đội.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng Triều Tiên sẽ sớm công bố những gì họ thực sự mong muốn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, đó chính là các khoản viện trợ lương thực, nhiên liệu và đàm phán trực tiếp với Mỹ để đổi lấy việc đưa vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của nước này lên bàn đàm phán.
Song, vấn đề là tại thời điểm đó, liệu Mỹ và các nước đồng minh có sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán? Liệu cách tiếp cận theo đường lối cứng rắn của các bên trong đàm phán có tiếp tục được thể hiện bằng sức mạnh? Nếu thế, ván cờ hiện nay sẽ chấm dứt như thế nào?