Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tiền Giang: Giữ rừng phòng hộ ven biển trước thách thức biến đổi khí hậu

(16:35:21 PM 06/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Bờ biển Gò Công từ cửa Soài Rạp đến cửa Tiểu ( Tiền Giang) là một trong những điểm nóng về xói lở bờ biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ xói lở trong những thập niên gần đây lên tới 10-20 m. Hệ quả là rừng phòng hộ phía trước tuyến đê ngày càng mỏng dần, dọc tuyến đê biển Gò Công, đai rừng phòng hộ hiện chỉ còn từ 30-300 m. Tại vị trí đê xung yếu thuộc hai xã Tân Thành và Tân Điền, rừng đã hoàn toàn bị xoá sổ, khiến trên 3 km đê biển trực diện với biển. Do đó, giải pháp chống xói lở đê biển, phát triển bền vững rừng phòng hộ trước thách thức biến đổi khí hậu đang là vấn đề đặt ra rất cấp thiết cho các ngành chức năng.

Tiền Giang: Giữ rừng phòng hộ ven biển trước thách thức biến đổi khí hậu - Ảnh minh họa

 

Rừng mỏng, đê yếu 

Bờ biển Gò Công chạy theo hướng Bắc Nam , vào mùa gió Đông Bắc (từ tháng 4 đến tháng 5), phải chịu tác động trực tiếp của sóng lớn. Mặt khác, bờ biển bị chia cắt bởi các con sông lớn (Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại), chế độ thủy văn, thủy lực rất phức tạp, diễn biến đường bờ rất khó kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân làm nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xâm thực, đe dọa đến sự an toàn của đê biển cũng như tài sản và tính mạng của khoảng 330.000 người dân sinh sống bên trong đê.

Trước kia, Tiền Giang đã từng có diện tích rừng ngập mặn ven biển lớn hơn so với hiện nay. Bề dày của đai rừng ngập mặn tính từ đường bờ ra ngoài từ vài trăm mét đến cả cây số. Tuy nhiên, diện tích rừng càng thu hẹp vì nhiều nguyên nhân như rải chất khai hoang trong thời chiến, chặt phá làm chất đốt, làm vật liệu xây nhà thời gian đầu sau khi hoà bình lập lại do việc quản lý chưa chặt chẽ.

Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, Tiền Giang hiện có hơn 1.500 ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó trong đó có hơn 350 ha giữ vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn cho gần 21 km đê biển. Theo thống kê, trong vòng 10 năm qua, rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt có những vị trí mất rừng từ 8-10 m/năm mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Tại đoạn xung yếu, rừng bị xói lở nghiêm trọng, đê trực diện với biển nên nguy cơ vỡ đê rất cao, đặc biệt khi có bão và áp thấp nhiệt đới. Mặc dù tại vị trí này, đã được đầu tư kinh phí xây kè lát mái bảo vệ đê nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, dọc theo tuyến đê bIển Gò Công bề dày đai rừng phòng hộ hiện còn lại rất mỏng. Đặc biệt tại cống rạch Xẻo về cống Tân Thành, nhiều nơi rừng không còn. Tại những vị trÍ này, đê đã được kè bảo vệ mái với chiều dài gần 3.000m. Gần đây nhất, tỉnh cho xây kè lát mái bảo vệ đoạn đê xung yếu trực diện với biển. Dù vậy, các giải pháp chống xói lở đê biển, phục hồi rừng phòng hộ chỉ mang tính đối phó tạm thời, chưa mang lại hiệu quả. Mỗi khi gió Đông Bắc mạnh dần lên, đai rừng phòng hộ càng mỏng thêm, đê biển tiếp tục bị xói lở nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân suy thoái và xói lở rừng phòng hộ ven biển là do tác động của điều kiện thuỷ văn, dòng chảy ven bờ kết hợp với gió chướng, sóng lớn từ đại dương hướng vào vùng biển Gò Công; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Mới đây, tại hội thảo Phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển Gò Công, các nhà khoa học ở các viện, trường đều nhìn nhận thực trạng xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn ven biển Gò Công là rất đáng báo động; cần có giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết tình trạng suy thoái rừng phòng hộ ven biển của tỉnh trong nhiều năm qua, đồng thời bảo vệ tuyến đê biển Gò Công.

Phát triển bền rừng phòng hộ gắn với bảo vệ đê biển

Rừng phòng hộ ven biển Tiền Giang ngoài vai trò bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng như một tấm “lá chắn” bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Gò Công. Xác định tầm quan trọng của việc trồng và khôi phục rừng phòng hộ ven biển, nhiều năm qua, nhất là khi có chương trình 327, chương trình 661 của Trung ương, công tác trồng rừng luôn được tỉnh quan tâm. Trong giai đoạn 2006-2011, tỉnh đã trồng mới, trồng dặm và trồng xen hơn 411 ha rừng tại hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỉ đồng từ nguồn vốn dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng” và nguồn vốn phòng, chống lụt bão của địa phương. Tuy nhiên, hiện bờ biển Gò Công vẫn còn gần 3.000 m không còn rừng phòng hộ bên ngoài.

Trước tình hình rừng và đất rừng ngày càng thu hẹp, từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang chủ trương qui hoạch, phân loại và có kế hoạch phát triển từng loại rừng, kết hợp bảo tồn, phòng hộ với phát triển du lịch sinh thái. Đối với rừng phòng hộ ven biển, đảm bảo các yêu cầu về phòng hộ chắn sóng, chắn xói lở, lấn biển, bảo vệ môi trường…và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học; trồng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên diện tích đất trống, các bãi triều đang trong quá trình bồi tụ với các loài cây phù hợp với điều kiện lập địa. Tỉnh khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng, các chính sách ưu tiên nghiên cứu phát triển về giống cây trồng. Riêng đối với những khu vực mà rừng trồng không sống được, tỉnh đang chuẩn bị thực hiện dự án thí điểm “Công trình gây bồi đoạn xung yếu đê biển Gò Công”, nhằm giảm sóng, gây bồi, tạo điều kiện khôi phục rừng phòng hộ trước đê, tăng tính ổn định của đê biển trước tác động của thiên nhiên.

Theo Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, với tốc độ xói lở như hiện nay, chắc chắn biển sẽ áp sát chân đê trên hầu hết chiều dài hơn 10 km từ tuyến đê Vàm Láng đến khu vực đê xung yếu hiện tại ở xã Tân Thành trong khoảng từ 5 đến 10 năm tới, nếu không triển khai biện pháp chống xói lở bờ biển. Do đó, các giải pháp chống xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển cần được triển khai càng sớm càng tốt. Theo các nhà khoa học, giải pháp giảm sóng gây bồi để khôi phục rừng ngập mặn cần được ưu tiên hàng đầu. Riêng các giải pháp có chi phí thấp như đê ngầm sử dụng vật liệu Geotubes cũng như hệ thống rào cọc bằng vật liệu địa phương cần được triển khai dưới dạng đề án mô hình thử nghiệm trước khi áp dụng trên diện rộng.

Tỉnh Tiền Giang đánh giá cao đề xuất của các chuyên gia về giải pháp kết cấu "mềm" chống xói lở đê biển, tạo bãi kết hợp với trồng rừng. Tỉnh sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương làm thí điểm giải pháp này, nếu hiệu quả sẽ tiến hành áp dụng trên diện rộng.

TTXVN