Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lấy rừng nuôi rừng

(00:21:30 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Sau 15 tháng thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (FES) ở hai tỉnh đầu nguồn sông là Sơn La và Lâm Đồng, trả lời PV, ông Francis A.Donovan – Giám đốc Cơ quan Viện trợ Phát triển Mỹ (USAID) – khẳng định Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trên mặt trận ứng phó với biến đổi khí hậu theo cách rất mới này.


Thủy điện Sê San 3, một trong những đơn vị đang hưởng lợi từ rừng đầu nguồn. Ảnh tư liệu.


Chi trả dịch vụ môi trường rừng (FES) là một khái niệm rất mới trên thế giới trong khuôn khổ nỗ lực toàn cầu tìm kiếm các phương cách để chặn đứng tình trạng suy thoái và mất rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Thu nhập tăng, tuần rừng nhiều hơn

 

Francis A.Donovan nhận xét, thật tuyệt vời, sau 15 tháng thí điểm, tỉnh Lâm Đồng thu được 3,5 triệu USD (tương đương 65 tỉ đồng) phí dịch vụ môi trường rừng chỉ từ hai nhà máy thủy điện và một số công ty du lịch, công ty cung cấp nước sạch, để giúp bảo vệ 250.000 ha rừng đầu nguồn sông Đồng Nai - những khu rừng tự nhiên có tác dụng cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện; cung cấp nước sạch cho bảy tỉnh thành, trong đó có TP Hồ Chí Minh, ở hạ lưu sông Đồng Nai, và duy trì cảnh quan sinh thái cho kinh doanh du lịch.

 

Hơn một nửa số tiền này được chi trả trực tiếp cho 8.000 hộ tham gia bảo vệ 203.335 ha rừng, giúp tăng thu nhập năm 2009 của họ gấp 3,5 lần so với năm trước đó.

 

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Đại diện Winrock International Vietnam – tổ chức trực tiếp triển khai dự án thí điểm, các dịch vụ môi trường rừng thực hiện trong giai đoạn thí điểm ở các tỉnh Sơn La và Lâm Đồng mới chỉ trên hai trong tổng số năm lĩnh vực.

 

Đấy là bảo vệ đất và điều tiết nước; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tiền FES được trả vào tài khoản của quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, tổ chức do nhà nước thành lập. Sau đó, quỹ chuyển tiền đến bên cung ứng các dịch vụ môi trường rừng.

 

Cũng trả lời PV, ông Micheal Jenkins, Chủ tịch Forest Trends, thừa nhận ông rất ấn tượng về những gì được thực hiện ở Lâm Đồng: “Tôi thấy dân và chính quyền địa phương đều phấn khởi”.

 

Ông Kon Sơ Ha Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), kể trước đây, thu nhập của mỗi hộ thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng là là 2,3 triệu đồng/hộ/năm; nay, nhờ thực hiện chính sách thí điểm chi trả FES, giá khoán cũng như diện tích nhận khoán tăng, thu nhập bình quân từ tiền nhận khoán rừng của các hộ trong xã là 8,1-8,7 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ đó, năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 15%, số vụ xâm hại rừng giảm một nửa so với năm 2008.

 

Ông Nguyễn Chí Thành cho hay trước người ta tuần rừng khoảng một lần một tháng; nay, một tháng, có người đi tuần mấy lần. Với kết quả này, “Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện chi trả các dịch vụ môi trường rừng”.



Thủy điện Mường Hun tại Bát Xát (Lào Cai) sẽ trả phí để bảo vệ rừng đầu nguồn.

 

Chớ dục tốc

 

Ông Nguyễn Tuấn Phú, Văn phòng Chính phủ, cho biết nhà nước sẽ can thiệp ở mức tối thiểu và đưa ra các quy định quản lý tài chính thoáng chưa từng có. Trong lộ trình thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ quyết tâm đảm bảo tiền thu được theo phương thức mới đến tay người chăm sóc và bảo vệ rừng nhanh và hiệu quả nhất.

 

Một trong những đột phá là Chính phủ sẽ cho thành lập các quỹ ủy thác tiếp nhận tiền của các bên hưởng dịch vụ FES. Không giống các quỹ khác, quỹ này không phải nộp tiền vào kho bạc nhà nước. Thay vào đó, quỹ thực hiện các bước đi thích hợp để chuyển tiền đến ngay những người hưởng thụ bao gồm chủ rừng và người tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng.

 

Tuy nhiên, từ nay cho đến khi triển khai toàn quốc, còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, theo ông Cẩm Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để thực hiện đầy đủ chính sách mới chi trả FES, cần sớm rà soát điều chỉnh chính sách giao đất, giao rừng. Chỉ riêng tỉnh Sơn La, với 156 xã có diện tích rừng là 379.272ha thuộc quyền quản lý của 52.000 chủ rừng, chi phí cho việc rà soát, điều chỉnh đã rất tốn kém tiền bạc và thời gian.

 

Tỉnh Tây Nguyên tiên phong thực hiện thí điểm, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng, băn khoăn về việc chưa có quy định cụ thể về các hình thức xử lý, giảm trừ mức chi trả FES cho hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi họ vi phạm hợp đồng nhận khoán.

 

Đơn vị chi trả FES cũng chưa yên tâm mặc dù họ thừa nhận ý nghĩa của việc bảo về, chăm sóc rừng đầu nguồn đối với các hồ chứa.

 

Ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cho biết, doanh nghiệp đã chi trả FES năm 2009 số tiền 24,34 tỷ đồng. Nộp số tiền lớn như thế, doanh nghiệp lo cơ chế chi trả FES lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam và chưa từng có tiền lệ ở khu vực, liệu có minh bạch.

 

Ngoài ra, còn có những vấn đề chưa rõ ràng khác như việc phân chia lợi ích giữa các bên liên quan thu được từ người mua dịch vụ, rồi mỗi khu rừng cung cấp chất lượng dịch vụ khác nhau. Đấy là chưa kể, nguồn thu dịch vụ mới chỉ tập trung vào các công trình thủy điện và các khu du lịch sinh thái dựa vào rừng, khiến quy mô quỹ còn hạn hẹp, v.v…

 

Chính sách chi trả FES là một trong những hướng đi chưa từng có ở Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng, nếu tổ chức thực hiện tốt, sẽ giúp mục tiêu quy hoạch gần nửa diện tích quốc gia (47%) cho phát triển lâm nghiệp sớm thành hiện thực.

 

Không những thế, tại hội nghị quốc tế cũng về FES vừa tổ chức ở Hà Nội ngày 23-24/6 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện các tổ chức quốc tế đều nhất trí cho rằng các kết quả thử nghiệm sau gần hai năm thực hiện chính sách chi trả FES ở Việt Nam sẽ sớm được xem xét và áp dụng cho các quốc gia trong khu vực, trước hết là Thailand, Lào, và Campuchia. Đặc biệt, họ sẽ xem xét vai trò của chính phủ nên can thiệp đến đâu là vừa khi thực hiện chính sách rất mới này.

 

Chính vì thế, rất nhiều tổ chức quốc tế đang theo dõi chặt chẽ các bước đi tiếp theo của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa chính sách chi trả FES ra quy mô toàn quốc. Trong bối cảnh ấy, có ý kiến cho rằng chính sách mới dù hứa hẹn mấy cũng không nên dục tốc bất đạt.

 

(Còn nữa)

Quốc Dũng/TP