Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cây thị 200 tuổi
Đây là cây di sản Việt Nam được trao Bằng công nhận và gắn biển “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Tham dự lễ có tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
Tại buổi lễ đã công bố Quyết định số 35/QĐ-HMT ngày 04 tháng 02 năm 2013 của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam về việc công nhận cây thị trên 200 năm tại nhà thờ Họ Lê, thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là cây di sản Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng đã trao Bằng chứng nhận cho gia tộc Họ Lê và gắn biển cây Di sản Việt Nam vào cây thị cổ có đường kính 1,5m, chia làm 2 thân và chiều cao 25m.
Theo gia phả Họ Lê ở thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành đã ghi rằng: Ông tằng tổ Họ Lê là Lê Phú Tri từng được phong hàm Tam phẩm của Triều đình Sơn Tây, làm Phó trấn giữ thành Quy Nhơn (Bình Định). Mùa xuân Kỷ Dậu (1789) ông cùng các tướng lĩnh theo Quang Trung Hoàng đế kéo quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân xâm lược Nhà Thanh. Thắng giặc trở về, viên trấn thành vệ quan Lê Phú Tri không trở lại Quy Nhơn và cũng không về quê ở thành Châu Sa (Quảng Ngãi) mà tới làng An Chỉ (xã Hành Phước ngày nay) ẩn cư với một người bạn cũng là võ quan đồn trấn.
Tại đây ông cưới vợ và quyết định ở lại vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ông đã trồng một cây thị trước sân nhà, đó là cây thị ngày nay, ước khoảng 220 năm. Năm Giáp Tý (1924) cụ Lê Phú Tri, người trồng cây thị cổ này đã được Vua Khải Định ban sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” (Thần bảo trợ gìn giữ sự phục hồi hưng thịnh). Sau đó con cháu Họ Lê ở Đề An đã xây nhà thờ Lê Hiệp Tự (nhà thờ chung) của cả ba chi phái cạnh cây thị cổ.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Quảng Ngãi là vùng tự do, huyện Nghĩa Hành là nơi đóng trụ sở của các cơ quan tỉnh, đặc biệt là của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ và Ban đại diện Chính phủ tại Liên khu 5.
Nhà thờ Họ Lê được chọn là nơi làm việc của Việt Minh. Cụ Huỳnh Thúc Khang và đồng chí Phạm Văn Đồng đã ở và làm việc tại đây. Qua những năm chống Pháp và Mỹ, nhà thờ Họ Lê (Lê Hiệp Tự) bị tàn phá hoàn toàn nhưng cây thị vận trụ vững qua bao thế hệ đến hôm nay. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước con cháu Họ Lê ở Đề An xây dựng lại nhà thờ Họ Lê đến nay.
Nhà thờ Lê Hiệp tự ở xã Hành Phước đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Quyết định xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.