Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cơ hội vàng

(00:21:26 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Gần như chưa chính sách nào ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta được triển khai nhanh và quyết liệt như với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (FES). Ba tháng qua, liên tiếp diễn ra ba hội thảo lớn được chủ trì bởi ba phó thủ tướng chỉ để bàn thảo về chính sách đột phá này. Tại sao lại có hành động gấp như vậy?

Cả nước hiện có 13,1 triệu hécta rừng. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 - 2020, đến năm 2020, phấn đầu đưa diện tích rừng lên 16,24 triệu hécta, tỷ lệ che phủ đạt 47%. Tuy nhiên, việc đầu tư cho rừng đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Đầu tư cho rừng từ trước đến nay chủ yếu thông qua ngân sách nhà nước và chỉ đáp ứng  một phần ba nhu cầu.

 

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, lao động trong ngành lâm nghiệp trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng chỉ được hưởng một phần giá trị sử dụng do nhà nước trả.

 

Họ hầu như không đủ nguồn thu để tái tạo rừng và đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Kết cục là không ít trong số họ buộc phải quay lại rừng để thực hiện vai trò của người khai thác rừng. Một tay bảo vệ rừng, một tay phá rừng.

 

Trong khi đó, nhiều cộng đồng, tổ chức, và cá nhân nằm ngoài khu vực có rừng, không tham gia bảo vệ và tái tạo rừng lại được hưởng lợi từ các dịch vụ do rừng tạo ra.

 

Thực trạng rành rành ấy bao nhiêu năm qua hầu như không ai nhận ra. Câu hỏi đơn giản là tại sao không yêu cầu những người hưởng lợi từ rừng phải đóng tiền để nuôi sống những người chăm sóc rừng?

 

Việc xây dựng và ban hành nghị định về chính sách chi trả FES sẽ buộc người sử dụng dịch vụ hệ sinh thái rừng phải chi trả cho các dịch vụ đó như là hàng hoá, và nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

 

 

Công cụ này sẽ giúp chủ rừng và cộng đồng bảo vệ rừng có nguồn thu chính đáng, khuyến khích họ tham gia bảo vệ rừng tích cực và hiệu quả hơn.

 

Trong bối cảnh rừng đang bị tàn phá hàng ngày, giải pháp này thực đúng là cơ hội vàng và không khó hiểu khi Chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ để sớm biến cơ hội này thành hiện thực.

Chi Giao/TP