Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đề xuất kéo dài thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng

(00:21:24 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 380/QĐ-TTg cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hết 12/2010.

 

Hiện nay các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã đồng thuận với chính sách thí điểm (Ảnh Trọng Khả)

 

Một số kết quả bước đầu

 

Sau gần hai năm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Bộ NN&PTNT đã tổ chức rút kinh nghiệm nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đi vào cuộc sống.

 

Hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La được chọn thực hiện Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào cuộc sống, tạo mối liên kết kinh tế mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

 

Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhận thức là một nguồn đầu tư và tạo sự bền vững trong hoạt động kinh doanh.

 

Theo báo cáo, Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây nguyên có diện tích tự nhiên 977.219 ha, diện tích rừng và đất rừng 602.757 ha, độ che phủ rừng chiếm 61,2% diện tích tự nhiên.

 

Là nơi tạo lập sinh thủy của những dòng sông lớn, có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái cho vùng miền Đông Nam Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên trong nhiều năm qua đời sống những người tham gia bảo vệ và tái tạo rừng ở Lâm Đồng ( phần lớn là đồng bào dân tộc) vẫn còn rất nghèo, thu nhập thấp, do chưa được hưởng lợi từ giá trị sử dụng của rừng.

 

Do vậy thực hiện Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Lâm Đồng không thực hiện giao đất, giao rừng mới mà chủ yếu tập trung rà soát, cập nhật diện tích rừng đã giao cho các tổ chức, gia đình, cá nhân từ nhiều năm trước đây.

 

Tổng diện tích rà soát là 545.657 ha, trên diện tích rừng rà soát xác định 720 chủ rừng thực hiện khoán bảo vệ rừng cho 2.296 hộ nhận khoán, trong đó có 26 cộng đồng dân cư thôn.

 

Đối với các nhà máy thủy điện, công ty cung cấp nước cơ bản đồng thuận với chính sách thí điểm thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong chi trả tiền dịch vụ theo quy định.

 

Đã có bảy đơn vị là các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất và cung cấp nước sạch cam kết thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2009 với số tiền 234,421 tỷ.

 

Sơn La xác định loại chi trả dịch vụ gồm dịch vụ điều tiết và cung ứng nguồn nước, dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế sói mòn, chống bồi lắng lòng hồ. Sau khi tiến hành rà soát, điều chỉnh số liệu diện tích đất, rừng đã giao từ nhiều năm trước đây có chín xã được lựa chọn làm thí điểm đầu tiên với diện tích 50.893, 90 ha, trên diện tích rừng rà soát xác định 4.094 chủ rừng.

 

Theo đó hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La đã thành lập qũy bảo vệ và phát triển rừng theo quy định và thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác tiền từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho những người tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

 

Tại các vùng thí điểm, tiền do bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chi trả đã đến được với người dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng, mức chi trả cho 1 ha rừng tăng so với trước đây, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho các chủ rừng, hộ nhận khoán.

 

Đặc biệt trong vùng thực hiện thí điểm có sự phối hợp giữa chủ rừng và chính quyền chặt chẽ đã hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.

 

Thực tế cho thấy, sau gần hai năm thực hiện hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La đã tổ chức rà soát diện tích rừng đã giao, cho thuê hoặc khoán bảo vệ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để làm cơ sở cho việc xác định đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

 

Hiện nay các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thủy điện, công ty cung cấp nước…) về cơ bản đã đồng thuận với chính sách thí điểm, thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc chi trả tiền dịch vụ theo QĐ 380/QĐ-TTg.

 

Tại các vùng thí điểm, tiền do bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chi trả đã đến được dân trực tiếp tham gia bảo vệ phát triển rừng, mức chi trả 1ha tăng hơn so với các chương trình thực hiện trước đây, góp phần ổn định cải thiện đời sống cho các chủ rừng, hộ nhận khoán.

 

Những vướng mắc và đề xuất

 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiến hành rà soát diện tích rừng trên thực địa đã giao, cho thuê hoặc khoán bảo vệ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn từ nhiều năm trước đây chưa nắm chắc diện tích rừng, trạng thái rừng đến từng chủ rừng.

 

Việc xác định các đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đối với tỉnh Lâm Đồng có thuận lợi bởi các chủ rừng chủ yếu là tổ chức nhà nước. Song tỉnh Sơn La chỉ đạt tỷ lệ thấp so với quy định tại Quyết định 380/QĐ-TTg, do việc rà soát, xác định diện tích rừng của từng loại hình chủ rừng tiến hành chậm. Do số lượng chủ rừng ở Sơn La chủ yếu là các hộ gia đình.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La  Cầm Văn Chính cho biết, việc thực hiện dự án rà soát điều chỉnh giao đất, giao rừng gặp nhiều khó khăn. Vì hiện nay các bộ, ngành trung ương chưa ban hành định mức cụ thể về rà soát điều chỉnh giao đất giao rừng, trong khi đó khối lượng công việc thực hiện rất lớn (với 156 xã), diện tích khoảng 397.272 ha, thuộc quản lý khoảng 52.000 chủ rừng, với thời gian ngắn nên các sở, ngành chưa có cơ sở thẩm định.

 

“Tỉnh Lâm Đồng chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng tài chính qũy bảo vệ và phát triển rừng; trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng và thanh quyết toán 10% kinh phí quản lý của qũy và 10% kinh phí quản lý của các đơn vị chủ rừng… ” Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Sĩ Sơn, nói.

 

Hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý, sử dụng tài chính qũy bảo vệ và phát triển rừng, nội dung sử dụng, trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng và thanh quyết toán 10% kinh phí quản lý của quỹ và 10% kinh phí quản lý của các đơn vị chủ rừng, trình tự thủ tục lập hồ sơ, thẩm định và phê duyệt hồ sơ chi trả DVMTR, các biểu mẫu nghiệm thu, thanh quyết toán tiền chi trả DVMTR, cơ chế kiểm tra, giám sát việc chi trả DVMTR để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

 

Bộ NN&PTNT có đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 380/QĐ-TTg cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hết 12/2010 hoặc đến khi Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực và cho phép các tỉnh; Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Nam được thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

 

Cho phép bổ sung vào dự toán ngân sách địa phương nguồn kinh phí để tổ chức triển khai QĐ 380/QĐ-TTg không lấy từ nguồn thu của các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính phủ sớm ban hành Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để chính thức thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

 

Tại Lâm Đồng, dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng lưu vực hồ thủy điện Đa Nhim đã nhận được mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 290.000 đồng/ha/năm. Lưu vực hồ thủy điện Đại Ninh là 270.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ gia đình nhận khoán từ 15-20 ha, mỗi năm nhận được từ 4-5 triệu đồng.

Tỉnh Sơn La, vùng thực hiện thí điểm chủ rừng nhận được mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phòng hộ là rừng tự nhiên 140.243 đồng/ha/năm; rừng phòng hộ là rừng trồng 126.219 đồng/ha/năm; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 84.146 đồng/ha/năm và rừng sản xuất là rừng trồng 70.121 đồng/ha/năm.

Cẩm Thúy