Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Phước: Biến đổi khí hậu gây hạn hán nghiêm trọng

(08:06:47 AM 05/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Từ đầu tháng 12/2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nắng nóng kéo dài và hầu như không có mưa lớn, chỉ có vài cơn mưa nhỏ kèm lốc xoáy, nhiệt độ ở mức khá cao.

 

Mặc dù đã có biện pháp chỉ đạo các địa phương chống hạn, trong đó các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã tăng cường công tác điều tiết nước tưới ở các hồ chứa, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Tuy vậy, do nắng nóng liên tục và không có mưa nên hạn hán đã xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.


Theo thông tin bước đầu từ 10 Phòng Nông nghiệp & PTNT và Phòng Kinh tế của các huyện, thị xã trong tỉnh Bình Phước, tình hình thiệt hại trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại giảm năng xuất lên đến trên 10 ngàn ha, bao gồm diện tích lúa, rau màu và cây hàng năm. Diện tích cây công nghiệp dài ngày gần 3 ngàn ha, chủ yếu là các cây tiêu 1.142 ha, cà phê 1.278 ha; cây ăn trái 500 ha và câu lâu năm khác 252 ha. Tổng số hộ dân thiếu nước sinh hoạt lên đến hơn 10 ngàn hộ dân, chiếm khoảng 9,3% số hộ dân toàn tỉnh. Một số khu vực do không có nguồn nước, người dân phải mua nước vận chuyển bằng xe bồn với giá từ 25.000-60.000 đồng/m 3 . Một số hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn, phải mất nhiều thời gian để lấy nước sinh hoạt ở những nơi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ước tính tổng số thiệt hại ban đầu do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong mùa khô năm 2012 - 2013 hàng chục tỷ đồng... Dự báo trong thời gian tới, nếu không có mưa lớn thì số thiệt hại trong ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ còn lên đến rất cao.


Thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở những nơi không có hồ chứa; mực nước ngầm xuống thấp, các giếng đào không thể nạo vét do quá sâu hoặc gặp phải tầng đá bàn không thể đào tiếp được. Mặt khác, hiện nay mới có 14 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở trung tâm các xã, còn nhiều khu vực trung tâm các thôn ấp nhu cầu dùng nước sinh hoạt cao, đặc biệt là trong mùa khô nhưng chưa được đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung. Một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc do tập quán sinh hoạt dựa vào nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối nên khi dòng chảy cạn kiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đa số hồ chứa thủy lợi có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm.Do vậy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở một số khu vực không đảm bảo. Ngoài ra, với số lượng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện có là 58 công trình với năng lực tưới thiết kế chỉ đạt 11% nhu cầu tưới của các loại cây trồng.


Để chủ động trong công tác phòng chống hạn mùa khô năm 2012-2013, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bình Phước có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh có biện pháp điều tiết nước hợp lý, đảm bảo nguồn nước để cung cấp nước trong mùa khô năm 2012-2013.Sở chỉ đạo các địa phương chủ động sản xuất cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước và khả năng xảy ra khô hạn.


Tỉnh tổ chức nạo vét thông thoáng kênh mương đảm bảo cung cấp nước tưới, điều tiết sắp xếp lịch tưới cho phù hợp, nhắc nhở nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm tránh lãng phí. Thường xuyên theo dõi mực nước trong các hồ để có kế hoạch điều tiết vận hành cụ thể, tránh tình trạng nước trong hồ bị cạn kiệt, nhất là các hồ đang nuôi trồng thuỷ sản.Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để có kế hoạch tưới, chuyển nước phục vụ cho số diện tích mà nhân dân không hợp đồng tưới. Ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở những nơi nguồn nước bị cạn kiệt sau đó mới phục vụ tưới. Kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng đục lỗ trái phép trên các kênh bê tông để lấy nước, để nước chảy tràn qua bờ ruộng, sông suối, ao cá ..gây lãng phí lớn nguồn nước.


Đối với những nơi không có công trình thủy lợi, thủy điện, các địa phương đã tuyên truyền cho cho nhân dân dùng các lu, bể và các dụng cụ chứa nước khác để đựng và trữ nước phục vụ cho sinh hoạt; tập trung chăm sóc số diện tích cây ngắn ngày và có biện pháp chống hạn cho các loại cây trồng lâu năm như che tủ gốc cây, làm giàn che nắng để hạn chế nắng nóng và bốc hơi nước nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.


Các địa phương đánh gía mức độ và tình hình hạn hán để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Xuân Hè và Hè Thu; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, canh tác cây trồng ngắn ngày sử dụng nước tưới ít và có hiệu quả kinh tế cao như đậu, bắp. Riêng các hồ chứa thuỷ lợi không được tháo nước bắt cá hoặc sử dụng chạy máy phát điện nhỏ.


Theo ông Vũ Hồng Liêm, những năm qua do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, các công trình đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và nước cho sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa khô hạn. UBND các huyện, thị xã cần có kế hoạch bố trí một phần ngân sách dự phòng của đơn vị cho công tác phòng chống hạn; khi vượt qua khả năng nguồn ngân sách địa phương thì đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh; đồng thời có chính sách hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng.


Trong điều kiện kinh phí tỉnh còn hạn chế,tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương sớm hỗ trợ cho tỉnh kinh phí để phòng chống hạn cho cây trồng cũng như khắc phục thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân, trong đó hỗ trợ xây dựng giếng đào mới, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đồng thời hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo quy hoạch.

TTXVN