Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa. (Nguồn: azernews.az)
Động thái này diễn ra hai ngày trước khi phái đoàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tới nước này để tiếp tục đàm phán về khoản vay 4,8 tỷ USD.
Hãng thông tấn chính thức MENA dẫn lời một quan chức Bộ Cung cấp và Nội thương Ai Cập cho biết kể từ đầu tháng Tư, giá mỗi bình ga 12,5 kg sẽ tăng 60% lên 8 bảng Ai Cập (tương đương 1,18 USD).
Mức giá mới được tính toán dựa trên sự gia tăng các chi phí vận chuyển, bảo hành xe bồn chở khí đốt, tiền hoa hồng cho các chủ trạm chứa và tiền lương của người lao động.
Quyết định tăng giá ga lần này là một phần trong chương trình cải cách của chính phủ nhằm giảm ngân sách trợ cấp năng lượng.
Sắp tới, giá ga có thể tăng từ mức 8 bảng hiện nay lên 16 bảng đối với các hộ và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bộ Cung cấp và Nội thương Ai Cập nhấn mạnh những người bán quá mức giá trên sẽ phải đối mặt với "sự trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật."
Tuy nhiên, bộ này không đề cập đến các biện pháp cải thiện khâu phân phối và tránh thất thoát.
Báo chí địa phương cho biết, vào năm ngoái, người tiêu dùng đã phải trả tới hơn 50 bảng cho mỗi bình ga 12,5 kg trên thị trường chợ đen trước khi tụt xuống còn 10-15 bảng hiện nay.
Quyết định tăng giá của chính phủ ngay lập tức đã làm gián đoạn nguồn cung.
Theo người phụ trách bộ phận sản phẩm dầu khí thuộc Hiệp hội các phòng thương mại Ai Cập, Hissam Arafat, tất cả các trạm khí đốt tư nhân trên toàn quốc đã ngừng cung cấp ga ra thị trường để phản đối việc chính phủ không tham khảo ý kiến của họ.
Trước đó, các đại lý tư nhân đã yêu cầu tăng giá mỗi bình khí đốt gia dụng lên mức 9 bảng. Theo ông Arafat, các công ty khí đốt của nhà nước hiện chỉ có khả năng đáp ứng 6% nhu cầu thị trường.
Hiện Ai Cập đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi nổ ra làn sóng chính biến lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào ngày 25/1/2011.
Bất ổn chính trị và sụt giảm kinh tế nghiêm trọng khiến chính phủ nước này đang phải vật lộn hết sức khó khăn để có đủ tiền nhập khẩu nhu yếu phẩm, lương thực và nhiên liệu.
Việc cải cách chính sách trợ cấp là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm cho Ai Cập có được khoản vay 4,8 tỷ USD từ IMF.