Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chủ tịch nước khảo sát, kiểm tra đê biển tại Tiền Giang- Ảnh TTXVN
Tại hiện trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe các chuyên gia thuộc các lĩnh vực phòng chống lụt bão, tài nguyên môi trường tỉnh khẳng định tầm quan trọng của tuyến đê biển Gò Công với vai trò bảo vệ vùng ngọt hóa diện tích 40.000ha gắn với sinh kế của hàng ngàn hộ dân đang sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã tàn phá nhiều dải rừng phòng hộ đê biển Gò Công. Không còn rừng bảo vệ, nhiều tuyến đê chắn sóng tại Gò Công và các vùng lân cận có nguy cơ sạt lở, mất trắng. Nước mặn xâm nhập sâu vào đến cống Xuân Hòa ở phía Đông và huyện Cai Lậy ở phía Tây tỉnh, gây khó khăn sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi việc thi công các công trình đê kè, thủy lợi trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế, Tiền Giang tiếp tục phải đối mặt với ảnh hưởng của bão biển và lũ lụt hàng năm. Gần đây nhất, trận lũ năm 2011 gây thiệt hại cho tỉnh hơn 538 tỷ đồng. Tiền Giang cũng là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông, gây hư hại nhà cửa, vườn cây ăn trái, ách tắc giao thông.
Để hiểu thêm thực tế, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã khảo sát kênh Chợ Gạo - tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối liền Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Với lưu lượng gần 2000 phương tiện thuyền bè qua lại vào những ngày cao điểm, kênh Chợ Gạo là trục giao thông thủy quan trọng, tiện lợi, giúp cho hàng hóa nông sản của nông dân miền Tây nhanh chóng tiếp cận thị trường thành phố, xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Chủ tịch nước cũng đã đến thăm vườn thanh long của nông dân xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo; hỏi thăm bà con về tình hình chăm sóc và thu hoạch loại trái cây đặc sản từng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân Tiền Giang thời gian qua, khẳng định thương hiệu trái cây đặc sản mới bên cạnh những loại hoa quả truyền thống của vùng đất sông Tiền. Chủ tịch nước chia sẻ với những khó khăn của người nông dân khi mất mùa trắng tay, lúc được mùa rớt giá; quan tâm đến những ứng dụng kỹ thuật của bà con đảm bảo vườn cây vẫn cho năng suất và sản lượng khá, chống chịu được thiên tai, ngay trong điều kiện diễn biến thời tiết đang ngày một giảm mưa thuận gió hòa.
Trong phiên họp có đầy đủ thành phần lãnh đạo các sở ngành chủ chốt của tỉnh, Chủ tịch nước đã gợi mở nhiều nội dung để lãnh đạo các ngành Trung ương và địa phương cùng trao đổi, đi đến thống nhất. Chủ tịch nước cho rằng, Tiền Giang đã triển khai đồng bộ nhiều phương án chống nước biển xâm thực, tái sinh rừng phòng hộ, diễn tập, đầu tư ngân sách xây dựng các công trình trọng điểm: đê bao, đập, cống, trồng rừng phòng hộ. Tất cả những nỗ lực đó đã giúp Tiền Giang dù trong nằm trong vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhưng vẫn đạt thành tựu khá ấn tượng về nông nghiệp. Từ những bước tiến vững vàng trong sản xuất chế biến và xuất khẩu hàng nông sản, GDP của tỉnh Tiền Giang đạt tăng trưởng 9,8%, giảm tỉ lệ hộ nghèo, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp lớn cho kinh tế cả nước. Điều tâm đắc với Chủ tịch nước khi trở lại Tiền Giang thực tế, đó là những thương hiệu trái cây đặc sản của Tiền Giang đã khẳng định được trên thị trường, thu về nguồn ngoại tệ, thực hiện được mơ ước một thời của nông dân Việt Nam.
Giải đáp những băn khoăn của nhiều đại biểu, trước tình hình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn dự báo, diễn biến phức tạp, hậu quả khó lường, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tác động của nước biển dâng là loại hình thiên tai đã được nhận diện từ nhiều năm trước. Đối mặt thực tế đang diễn ra, không chỉ nhà khoa học, người dân, mà cả hệ thống chính trị, xã hội cùng phải hành động tích cực, khẩn trương theo đúng chức năng của mình. Ứng phó chủ động, hạn chế hậu quả nước biển dâng, Tiền Giang càng có cơ hội phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Trước mắt, Tiền Giang cần rà soát hệ thống công trình phòng chống thiên tai. Những công trình thiết yếu, giữ vai trò bảo vệ cuộc sống dân sinh, cần được tập trung nhanh chóng gia cống, thi công, khắc phục thiệt hại bằng nhiều nguồn lực. Trước nhu cầu về vốn cho những dự án chi phí lớn, Chủ tịch nước đề nghị, địa phương phân loại, điều chỉnh để khai thác nguồn lực xã hội theo hình thức công tư kết hợp. Theo Chủ tịch, nếu sử dụng không tiết kiệm, đúng mục đích, dù đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng cũng không giải được bài toán ứng phó biến đổi khí hậu. Tiền Giang nên tính toán để vừa đảm bảo sự vững bền và hiệu quả cho các công trình phòng chống thiên tai, vừa an toàn cho tài chính quốc gia. Chủ tịch nước nêu rõ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có chương trình tổng thể. Bên cạnh đó, Trung ương Đảng sẽ có Nghị quyết về lĩnh vực này, để mang lại động lực mới cho công cuộc phòng chống thiên tai.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 578. Nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo về tình hình bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn, Chủ tịch nước đề nghị đơn vị tập trung làm tốt các nhiệm vụ giúp dân đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tham gia phòng chống gian lận thương mại, tham gia tìm kiếm cứu nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo môi trường bình yên, thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực biên giới biển phát triển. Trong chương trình công tác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã dâng hương, tại đền thờ hai vị anh hùng dân tộc quê hương Tiền Giang, tưởng nhớ tấm gương cứu dân hộ quốc của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định và Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.