Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhà xuất bản thích đùa?

(11:54:19 AM 30/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Bộ sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn phát hành được đúng một tháng, thì đích thân giám đốc NXB Trẻ gửi thư xin lỗi đến các cơ quan truyền thông và bạn đọc cả nước vì… nhầm lẫn ảnh tác giả. Thay vì phải in chân dung của Lê Quý Đôn, thì ở trang bìa mỗi cuốn sách “Kiến văn tiểu lục” lại là bức vẽ truyền thần danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Bìa cuốn sách bị nhầm lẫn

 

Tuy sống cách nhau ba thế kỷ, nhưng cả Lê Quý Đôn và Nguyễn Trãi đều là nhân vật lịch sử lừng lẫy. Dán nhầm ảnh người nọ vào vị trí của người kia, chẳng phải chuyện đáng xấu hổ cho những ai làm công tác biên tập, xuất bản sách?

 

Nhân sự việc buồn cười ở NXB Trẻ, lại nhớ cách đây hơn 10 năm, một đơn vị làm sách khác đã in lấy ảnh Dương Khuê để chú thích là… “nhà bác học Lê Quý Đôn”. Như vậy, chỉ trong vòng một thập niên, Lê Quý Đôn đã có đến hai lần bị rơi vào hoàn cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

 

Trong quá trình hội nhập, ngành xuất bản nước ta bộc lộ nhiều bất cập. Do trình độ hạn chế, hay do lười nhác chủ quan? Có nhiều vụ nhầm lẫn xảy ra ngay tại sách giáo khoa khiến dư luận băn khoăn về tính chuyên nghiệp ở lĩnh vực xuất bản hiện nay. Chính các bậc phụ huynh đã phát hiện sách dạy cho con em họ lại tin toàn cờ Trung Quốc. Sai phạm ấy diễn ra đồng loạt với các cuốn sách như “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân Trí, “Phát triển khả năng quan sát tưởng tượng” của NXB Phụ Nữ, và “Bé làm quen với chữ cái” của NXB Đại học Sư phạm.

 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, cờ Trung Quốc được in ở một số cuốn sách, song chỉ có một cuốn do NXB thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội quản lý, các cuốn khác không thuộc sự quản lý của ngành giáo dục. Còn khi được hỏi về những cuốn sách mà dư luận phản ánh in bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa và Trường Sa là của NXB Giáo dục, thì ông Phạm Vũ Luận phân bua “trên cuốn sách đó có đảo, nhưng chữ nhỏ, chứ không phải không có”.

 

Có vẻ để xoa dịu tình hình căng thẳng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết sẽ cũng với các bộ liên quan ban hành lại thông tư quản lý xuất bản phẩm liên quan đến giáo dục và dựng hàng rào kỹ thuật với sách trong nhà trường.

 

Xuất bản là một ngành quan trọng vì tác động lâu dài đến nhận thức và hành động của con người. Đặc biệt, những ấn phẩm dành cho trẻ em càng phải cẩn thận hơn. Luật Xuất bản cũng đã ra đời với những điều, khoản nghiêm ngặt. Vậy mà, cứ lâu lâu độc giả lại phải kêu trời về nội dung được truyền tải trong từng cuốn sách! Phải chăng, các NXB thích đùa dai với cộng đồng?

Theo NN