Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nâng cao quyền lợi, nghĩa vụ của người được giao quyền sử dụng đất

(11:50:29 AM 30/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 29/3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự có mặt của đông đảo các vị đại diện cho giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn giáo, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số đại diện cơ quan, ban ngành tỉnh Sóc Trăng.

Cần nâng cao quyền lợi, nghĩa vụ của người được giao quyền sử dụng đất- Ảnh IE


Các đại biểu cho rằng, Luật đất đai sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, thiết thực như qui định về giá đất, tư vấn, về việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... hướng đến việc nâng cao quyền lợi, nghĩa vụ của người được giao quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đất là sở hữu của toàn dân do Nhà nước quản lý nhưng trên thực tế có những hộ cho hộ khác mượn hay ở nhờ trên đất mà theo Luật 2003 nếu cư ngụ trên 20 năm thì được quyền đăng ký sử dụng, đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài gây khó khăn cho chủ đất và giải quyết của Nhà nước, do vậy cần bổ sung điều khoản qui định rõ ràng hợp lý. Nhiều ý kiến còn thống nhất nên áp dụng theo qui định của Luật năm 2003 giao quyền quyết định cho UBND, không nên giao cho Chủ tịch UBND để cho có tính tập thể.

Ở khoản 2, Điều 50 quy định “trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 50 còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Vấn đề này chưa phù hợp, bỏ đoạn “còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Vì thực tế đối với khu vực có tốc độ phát triển đô thị hóa cao như TP. Sóc Trăng sẽ khó thực hiện, do những khu vực trồng lúa nhỏ lẻ còn lại trong khu dân cư sau khi thực hiện các công trình, dự án; cải tạo chỉnh trang đô thị; nơi đất gò cao, thiếu nước sản xuất khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất phải xin ý kiến của Chính phủ thì chưa phù hợp, trong khi quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được Chính phủ giao hạn mức đất lúa cho từng tỉnh phân bổ cho các huyện, trong quá trình thực hiện nên căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Tại khoản 2, Điều 56, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này mà loại đất sau khi chuyển mục đích phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì được sử dụng đất không phải xin phép người có thẩm quyền nhưng phải đăng ký với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Ý kiến bổ sung cho Điều 56, khoản 2 là cần phải trình Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định (đối với hộ gia đình cá nhân).

Một số đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề điều chỉnh khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên được điều chỉnh theo hướng, đối với những nơi chưa có giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc quy định cụ thể giá các loại đất tại khu vực giáp ranh theo hướng dẫn của cơ quan có chức năng xây dựng bảng giá đất. Khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 60 ngày trở lên thì uỷ ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh giá đất cho phù hợp và báo cáo hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Trong khi đó, một số đại biểu lại cho rằng, đối với bảng giá đất, Nhà nước cũng nên quy định về việc chuyển quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức cho cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đ ề nghị Dự thảo Luật Đất đai cần có quy định rõ hơn về tiền thuê đất, công khai việc bán đấu giá đất và việc bán đấu giá phải được cơ quan, tổ chức có năng lực, thẩm quyền chịu trách nhiệm.

Đa số ý kiến còn lại cho rằng, nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống thì sẽ giải quyết được tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài...

Trung Hiếu (TTXVN)