Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần bảo tồn nguồn gen từ cấp tỉnh

(09:50:52 AM 30/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 29/3, tại thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo “Hướng dẫn xây dựng, hoàn thiện đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh”. Các chuyên gia, quản lí về khoa học và công nghệ của 19 tỉnh, thành phía Nam đã tham dự hội thảo.


Hình ảnh minh họa

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam được coi là quốc gia có tài nguyên sinh học phong phú, đặc biệt là nguồn gen. Nguồn gen là vật liệu khởi đầu cho chọn, tạo giống trong nông nghiệp, thủy sản, dược liệu. Qua đó, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển các ngành kinh tế, an ninh lương thực, phát triển thủy sản, công nghiệp, thuốc và dược liệu… Còn trong tiến trình hội nhập quốc tế, với xu thế cạnh tranh thì phát triển các sản phẩm đặc sản từ nguồn gen được bảo tồn có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nguồn gen đã bị suy giảm do nhận thức về tầm quan trọng; quản lí, khai thác sử dụng thất thoát nguồn gen. Hệ quả là đã có nhiều nguồn gen quý, hiếm đã bị mất đi.

Vì vậy, nhiệm vụ của Quỹ gen là khai thác, phát triển và đánh giá di truyền của nguồn gen. Để bảo tồn nguồn gen, thì cần phải lưu giữ, bảo quản các nguồn gen quý hiếm hiện có, như: điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen. Phục tráng các nguồn gen cây trồng, vật nuôi thuần chủng; chuẩn hóa các chuẩn vi sinh, nấm, tảo. Phát triển khu vực nuôi trồng chuyên canh các loài cây, con quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng hoặc có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường. Tư liệu hóa nguồn gen dưới các hình thức, như: ảnh, thông tin, số hóa. Còn để khai thác và phát triển nguồn gen, thì cần đánh giá khả năng ứng dụng để định hướng các mục tiêu khai thác. Xây dựng nguồn vật liệu di truyền, như: vườn cây đầu dòng, vườn giống, chủng gốc. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, như: nuôi cấy mô, nhân giống. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: thực phẩm, sinh phẩm, dược phẩm… từ nguồn gen. Xây dựng tiêu chuẩn và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm được tạo ra từ nguồn gen.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, cho biết: từ nay đến trước ngày 30/6/2013, các tỉnh, thành sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xét duyệt Đề án nhiệm vụ Quỹ gen. Sau đó, sẽ hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Quỹ gen cấp tỉnh từ năm 2014.

Theo TTXVN