Có người chọn hoa Mai, hoa Đào, âu cũng là nét riêng của người Việt. Chọn hoa Đào lại có cái ý nghĩa rất lớn lao, là tấm thiếp báo tin thắng trận trong Mùa xuân Kỷ Dậu khi Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh…
Có một loài hoa tuy không phải chỉ có riêng ở Việt Nam nhưng đã gắn với những nét văn hóa, tâm linh tình cảm, tính cách và số phận của con người Việt ấy là hoa Cúc.
Tôi rất muốn chọn hoa Cúc làm quốc hoa bởi hoa Cúc có những màu sắc rất riêng, rất đẹp, rất phổ biến và cao hơn là nét đẹp thanh cao và tính nhân văn sâu sắc của loài hoa này.
Hoa Cúc gắn với tuổi trẻ của mỗi chúng ta khi chập chững vào đời. Ở bất cứ đâu, từ miền núi miền xuôi đến những vùng biển rì rào sóng vỗ, gần gũi và thân quen là Cúc. Đi đến trường trong màu vàng màu trắng sặc sỡ của hoa “Cứ mỗi độ Thu sang hoa Cúc lại nở vàng” và “Em cắp sách tới trường” trong màu vàng rất thanh cao ấy.
Hoa cúc gắn với truyền thuyết linh thiêng và nhân hậu của những đứa con hiếu thảo với mẹ. Người mẹ bệnh tật nằm chờ chết nếu không có thuốc cứu chữa. Và những người con đã lặn lội gian khổ khắp ngang cùng ngõ hẻm để tìm thuốc chỉ mong mẹ được sống dài lâu bên mình. Thương mẹ và muốn kéo dài tuổi mẹ, những người con đã chia nhỏ cánh hoa mà đức Phật trao cho thành nhiều cánh để mong mẹ được sống dài lâu. Và những cánh hoa Cúc được chia ngày ấy bây giờ chúng ta thấy tầng tầng lớp lớp.
Cúc có hàng trăm loại khác nhau và loại nào cũng đẹp. Tùng, Cúc, Trúc, Mai thể hiện bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - chuỗi tuần hoàn của quy luật đất trời cây cỏ. Và Cúc là mắt xích trong cái sự toàn hoàn vô định của đất trời ấy. Cúc cũng thể hiện tính cách của người quân tử, một nét đẹp thanh cao. Ai chơi hoa Cúc đều biết hoa Cúc tàn nhưng không rụng, nó chỉ gục rũ trên thân. Nó gợi cho ta đến hình ảnh chết đứng của người nghĩa sỹ.
Từ xa xưa ông cha ta đã nói và cảm hứng nhiều về loài hoa Cúc, đã biết nhiều về công dụng của cúc. Cúc biểu tượng của sự trường thọ, thường dùng để chúc thọ, chúc người già. Vì thế có loài Cúc mang tên Cúc Vạn thọ. Hoa Cúc có thể dùng làm thuốc và pha trà, có loại trà hoa Cúc rất thơm, có thể thả vài bông vào ấm chè mạn, thanh nhiệt giải độc. Uống trà bình thơ, đàm đạo, thì tuyệt.
Lại nói những bậc túc nho những nhà trí thức ngày xưa họ đều lấy Cúc làm cảm hứng trong thi ca. Từ xa xưa nhiều trí thức đã làm thơ về loài hoa này. Nguyễn Trãi nói rất hay về hoa Cúc: Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm/ Có mấy bầu sương nhị mới đâm/ Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn/ Cho hay thu muộn tiết càng thơm. Nguyễn Khuyến viết về Cúc như như một sự xuất hiện thần kỳ: Trăm hoa tàn rồi mới thấy người.
Có thể nói Cúc gần gũi, thân quen với đời sống. Cúc hòa trong ca dao, trong thi ca và nhạc. Nếu như nhà báo Thép Mới khi viết về cây tre: Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp… thì Cúc cũng vậy, ở đâu ta cũng bắt gặp một màu vàng thanh cao, một màu trắng tinh khôi của Cúc. Có người đã nói rất hay về sắc màu của cúc: Hoa Cúc trắng: ngây thơ và duyên dáng. Hoa Cúc tây: chín chắn, tình yêu muôn màu. Hoa Cúc đại đoá: lạc quan trong nghịch cảnh. Hoa Cúc tím (thạch thảo): nỗi lưu luyến khi chia tay. Hoa Cúc vàng: lòng kính yêu quý mến...
Và ta ngất ngây trước bản nhạc viết về mùa Thu có màu hoa Cúc:"...Mùa Thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa Thu vào hoa Cúc/ Chỉ còn anh và em..."
Nói đến hoa Cúc là nói đến mùa thu và Mùa thu cách mạng. Rất trùng hợp khi nếu ta chọn hoa Cúc là quốc hoa. Cái màu vàng của ngôi sao năm cánh trên nền cờ đỏ tung bay trong gió Thu lồng lộng. Và dưới đất những bông Cúc vàng ngào ngạt sắc hương.
Hoa cúc mùa thu và mùa thu cách mạng như một điệp khúc nâng bước bàn chân của mỗi con người.