Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tại nhiều địa phương, cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân địa phương thường bế tắc. -Ảnh IE
Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và Nghị định 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, thực trạng sử dụng đất và tài nguyên rừng của các lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tình trạng mâu thuẫn đất đai giữa các công ty lâm nghiệp và người dân địa phương còn phổ biến, nhiều nơi diễn ra gay gắt và nếu không có hướng giải quyết thỏa đáng, tình trạng mâu thuẫn này sẽ càng lan rộng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích đất tranh chấp giữa các công ty lâm nghiệp và người dân địa phương tính đến hết năm 2011 là 75.650 ha. Song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, con số này chưa phản ánh được tính phức tạp của các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp cũng như cách thức giải quyết các tranh chấp hiện đang được áp dụng tại các địa phương.
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết: Tổ Forest Trends và Viện Tư vấn Phát triển đã thực hiện nghiên cứu về mâu thuẫn đất đai tại Công ty Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), Công ty Long Đại (tỉnh Quảng Bình), Công ty M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) và Công ty Lộc Bắc (tỉnh Lâm Đồng). Đây là 4 trường hợp được lựa chọn đại diện cho miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Theo kết quả nghiên cứu, có 3 nguyên nhân chính và liên quan đến nhau dẫn đến tình trạng mâu thuẫn đất đai giữa các công ty lâm nghiệp và người dân địa phương. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là người dân thiếu đất canh tác. Ngoài ra còn do sự bất bình đẳng trong sử dụng đất. Hiện các công ty lâm nghiệp đang sử dụng nhiều đất, một số nơi cho hiệu quả thấp, trong khi người dân lại thiếu đất. Một số địa phương, chính quyền cắt đất từ lâm trường giao cho các công ty tư nhân để phát triển cây công nghiệp, thay vì chia đất cho người dân nhằm thoát nghèo. Sự bất bình đẳng còn thể hiện khi lâm trường trao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng, mà không giao cho người dân tại chỗ, làm mất cơ hội, thu nhập và việc làm cho người dân nghèo... Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, việc phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi, đặc biệt là thị trường gỗ rừng trồng tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người. Quyền tiếp cận và kiểm soát đất đai trở thành công cụ hữu hiệu nhằm tăng thu nhập, thậm chí làm giàu cho nhiều người và điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương.
Cũng theo ông Phúc, tại nhiều địa phương, cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân địa phương thường bế tắc. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ sở pháp lý như chưa có sự phân định ranh giới đất đai rõ ràng trên thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo... Đặc biệt, tại các địa bàn nghiên cứu, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc trong xử lý tranh chấp. Các cơ chế hiện hành vẫn chưa giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khung pháp lý hiện tại cũng hạn chế quyền của chính quyền xã trong xử lý mâu thuẫn...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa các công ty lâm nghiệp và người dân địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự tham gia của các bên về sử dụng đất của công ty lâm nghiệp, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp đang quản lý đất rừng sản xuất với mục đích trồng rừng, tại các địa phương và thực trạng mâu thuẫn đất đai giữa các bên liên quan. Đồng thời cần đánh giá, rà soát tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân và đánh giá nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ. Trên cơ sở đó, bóc tách các phần diện tích đất hiện đang tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương làm cơ sở giao cho các hộ dân nhằm đảm bảo đủ diện tích đất canh tác.
Ngoài ra, người dân tại chỗ cần được ưu tiên đối với nguồn tài nguyên đất, rừng trước khi thực hiện việc giao khoán cho các đối tượng ngoài cộng đồng. Sự tham gia của các tổ chức xã hội sẽ giúp chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã, huyện và các bên dễ đạt đồng thuận hơn, giúp giảm bớt thời gian và nguồn lực trong giải quyết tranh chấp.